![]() |
Đồng chí Thượng tá Lê Quý Minh - Ủy viên Ban CT-PT Hội Cựu Công an nhân dân (CAND) TP.HCM trao đổi với bác sỹ Nguyễn Hữu Khánh Duy - Giám đốc trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa, TP.HCM về những nguyên tắc cơ bản trong cai nghiện mat túy.
Theo sỹ Nguyễn Hữu Khánh Duy, "Ma túy là những chất tác động tâm thần mà người sử dụng sẽ đi từ lạm dụng đến lệ thuộc". Tình trạng lệ thuộc ma túy đòi hỏi phải sử dụng ma túy đều đặn như một phương thức sống. Người lệ thuộc sẽ bị những biến đổi về khí sắc, cảm xúc cũng như nhận thức do những tổn thương trong não. Những tổn thương này có thể tồn tại rất lâu hoặc vĩnh viễn sau khi ngưng sử dụng.
Những rối loạn trên bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau: bản thân, gia đình, xã hội. Người nghiện sử dụng rồi lạm dụng và cuối cùng là lệ thuộc ma túy dẫn đến tình trạng nghiện với các biểu hiện rối loạn trên. Do đó việc cai nghiện phục hồi nghiện ma túy phải bao gồm rất nhiều lĩnh vực y tế, tâm lý, giáo dục, quản lý và phải giải quyết được nguyên nhân đã dẫn đối tượng đến việc sử dụng ma túy.
Người nghiện bị lệ thuộc tâm lý và lệ thuộc cơ thể đối với ma túy. Nếu thiếu sẽ thèm muốn mãnh liệt, đòi hỏi phải tái sử dụng để cảm thấy thoải mái, khi được cung cấp ma túy người nghiện ở trạng thái ngất ngây hoặc kích thích mạnh mẽ, cảm giác khoẻ mạnh yêu đời. Cuộc sống người nghiện suốt ngày loanh quanh trong việc sử dụng nó. Sử dụng ma túy lâu bao nhiêu thì hậu quả càng nhiều và nặng nề bấy nhiêu. Mặt khác, những tác động của ma túy trên bộ não có thể gây ra những tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn làm cho người nghiện suy giảm khả năng xử lý thông tin, cũng như khả năng hiểu biết trong việc hướng đến một cuộc sống lành mạnh.
Xét về mặt hành vi, người nghiện phát triển những cách ứng xử không thích nghi hoặc những thói quen xấu. Chính những hành vi ấy ngăn cản đối tượng hoà nhịp với cộng đồng, mất đi lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm, không còn khả năng hiểu biết những hậu quả do hành vi của mình gây ra. Người nghiện ma túy không còn đủ nhận thức để sống một cách trong sạch, cũng như kỹ năng làm việc để sống bình ổn trong một xã hội trật tự. Nói chung, về mặt tinh thần, sức khoẻ, nghề nghiệp, gia đình, xã hội,… có thể suy sụp đến một mức sự điều trị phục hồi cho đối tượng trở nên rất khó khăn.
Sau khi cai, nếu những nhân tố tác động thúc đẩy đối tượng tìm đến ma túy vẫn chưa được giải quyết, hầu hết những người nghiện sẽ tái nghiện. Mức độ tác hại do việc sử dụng ma túy tùy thuộc vào các loại ma túy sử dụng, bối cảnh gia đình xã hội, phương thức dùng ma túy, nhân cách của chủ thể. Ma túy gây trạng thái nhiễm độc và phản ứng loạn tâm thần như sau:
1. Trạng thái nhiễm độc: Rối loạn tỉnh thức thể hiện qua các hành vi như hung dữ, thay đổi phán đoán, biến loạn hoạt động xã hội, rối loạn về tri giác, về tư duy nhận đoán và vận động.
2. Lú lẫn tâm trí: Rối loạn tư duy, mất định hướng thời gian, không gian và các rối loạn tri giác.
3. Các phản ứng loạn tâm thần: Hoang tưởng hay ảo giác
4. Hội chứng hồi tưởng: Khi không dùng ma túy người nghiện cảm thấy một hoặc nhiều triệu chứng đã xảy ra như đang sử ma túy. Các triệu chứng này xảy ra đột ngột và thường kéo dài vài giây, vài phút hay vài giờ. Chúng có thể tái diễn nhiều lần trong ngày.
5. Loạn tâm thần kéo dài: Việc dùng các chất ma túy thường gây rối loạn tâm thần. Hai yếu tố trên tác động lên nhau.
6. Trạng thái trầm nhược: Hầu hết những người nghiện ma túy đều bị trạng thái trầm nhược. Trầm nhược và sử dụng ma túy ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
7. Tự sát và các ý định tự sát: Đa số các công trình nghiên cứu có sự lên quan giữa tự sát, trầm nhược và lạm dụng ma túy. Lạm dụng ma túy có thể làm trầm trọng, và dễ chuyển sang hành động tự sát.
8. Các rối loạn hành vi: Ma tuý và rối loạn hành vi thường kết hợp với nhau. Các liên quan giữa rối loạn hành vi và dùng ma tuý rất phức tạp. Các rối loạn hành vi và sử dụng ma túy tác động lẫn nhau. Các rối loạn hành vi thường dẫn đến dùng ma túy. Tác động của chất ma túy làm tăng tính hung bạo, tạo hành vi chống đối xã hội. Do cần tiền để mua ma túy, đối tượng gây nên những hành vi phạm pháp: Ăn cắp, buôn bán ma túy, làm gái điếm thậm chí còn gây nên trọng án.
9. Các rối loạn khác: Các thanh thiếu niên sử dụng ma túy thường có rối loạn tập trung, rối loạn nhân cách, biểu hiện lo hãi, rối loạn ăn uống, rối loạn tâm thần.
Cai nghiện ma túy là một việc rất khó khăn vì người nghiện bị tổn thương não bộ, hình thành nhiều thói quen xấu do đó người nghiện rất dễ bị tái nghiện. Thậm chí sau khi cai nghiện thành công người nghiện vẫn có thể tái nghiện do ký ức hồi tưởng và phản xạ có điều kiện dễ dẫn người nghiện đến thèm nhớ ma túy với tất cả sự khoái cảm của nó.
Không có một loại thuốc nào chữa được nghiện ma túy mà phải sử dụng các liệu pháp tổng hợp trong đó thuốc chỉ điều trị các triệu chứng do cắt cơn giải độc, các bệnh cơ hội, các bệnh tâm thần. Để điều trị nghiện ma túy phải dùng các liệu pháp không dùng thuốc: Tư vấn - Tâm lý trị liệu – Giáo dục trị liệu – Huấn nghiệp trị liệu – Lao động trị liệu – Quản lý trị liệu – Giải trí trị liệu… Nhằm mục đích điều chỉnh, giáo dục, gọt dũa, phục hồi, nhận thức, hành vi, nhân cách, hình thành thói quen tốt, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của đối tượng nghiện.
Một người nghiện nếu không được giải quyết các vấn đề nêu trên thì sau khi cai nghiện về, hầu hết sẽ tái nghiện. Điều này lý giải tại sao các chương trình cai nghiện thường thất bại và đạt kết quả thấp.
Tại các trung tâm cai nghiện, đối tượng có thời gian cách ly với môi trường ma túy, sẽ có thời gian suy nghĩ lại mình, đối tượng sẽ được giúp đỡ quan tâm giáo dục đúng đắn, do đó nhận thức, tư tưởng đối tượng sẽ dần chuyển đổi
Tại các trung tâm cai nghiện dù tự nguyện hay không tự nguyện nếu không đảm bảo đúng quy trình cũng sẽ dẫn đối tượng tới những đối kháng với trung tâm, dẫn tới đối kháng thêm với gia đình, dễ có những hành vi hung hăng, bạo loạn bộc phát. Tại các trung tâm không tốt trên, một số đối tượng khác không thể phản kháng được, âm thầm chấp nhận cai nghiện nhưng rất dễ dẫn đến trầm cảm phản ứng, phải chấp nhận thời gian cai nghiện nhưng sau khi rời trung tâm trở về dễ bùng phát dẫn đến tái nghiện nhanh. Thời gian cai nghiện phải đủ dài, thời gian trung bình phải từ 6 tháng đến 1 năm. Sau đó khi trở về cộng đồng người nghiện phải được theo dõi và quản lý chặt chẽ một thời gian dài.