Vụ cướp chi nhánh ngân hàng Nihon Shintaku Ginko trở thành một trong những vụ cướp bí ẩn nhất trong lịch sử Nhật Bản. Ảnh: SCMP |
Vụ cướp táo tợn với thủ pháp đơn giản không ngờ
Sáng ngày 10/12/1968, bốn nhân viên chi nhánh của ngân hàng Nihon Shintaku Ginko (ngân hàng Nippon Trust) được giao nhiệm vụ vận chuyển khoản tiền mặt gần 300 triệu yên (khoảng hơn 48 tỷ đồng). Đó là tất cả tiền thưởng dành cho nhân viên nhà máy Toshiba ở Fuchu. Họ bị một sĩ quan trẻ mặc đồng phục cảnh sát đi xe máy cảnh sát chặn lại trên con phố cạnh nhà tù Fuchu Tokyo. Viên cảnh sát thông báo với họ rằng nhà giám đốc chi nhánh của họ đã bị đánh bom và cơ quan chức năng nhận được cảnh báo rằng thuốc nổ đã được gài trong xe vận chuyển tiền.
Lúc này, bốn nhân viên thoát ra khỏi xe còn cảnh sát kia chui xuống gầm xe để xác định vị trí quả bom. Một lúc sau, các nhân viên nhìn thấy khói và lửa bốc ra từ dưới gầm xe, viên cảnh sát lăn ra ngoài và hét lên rằng nó sắp phát nổ, khiến các nhân viên nhanh chóng tìm chỗ ẩn nấp. Tuy nhiên, ngay sau đó, viên cảnh sát bình tĩnh bước lên và lái xe đi.
Theo lời khai của nhân viên ngân hàng, sở dĩ họ tin tưởng lời tên cướp giả mạo cảnh sát kia vì trước đó, giám đốc chi nhánh cũng đã nhận được thư nặc danh đe dọa đánh bom. Ngọn lửa dưới gầm xe sau đó được xác định là chỉ là pháo sáng cảnh báo. Có tất cả 120 bằng chứng thu thập được từ hiện trường vụ án, bao gồm cả chiếc xe máy đã bị đánh cắp và được sơn màu trắng. Người ta xác định rằng hầu hết các bằng chứng này đều nhằm mục đích đánh lạc hướng cảnh sát.
Cảnh sát xác nhận tên cướp sau khi gây án đã lái chiếc xe đến một công viên và chuyển những chiếc hộp đựng tiền sang một chiếc xe khác bị hắn đánh cắp trước đó. Sau đó, dấu vết về vụ án trở nên mờ nhạt, mặc dù cảnh sát đã công bố bức tranh vẽ lại hình ảnh nghi phạm nhưng vẫn không thu được kết quả gì.
Chân dung tên cướp trong vụ án. Ảnh: SCMP |
Hành trình tìm kiếm tội phạm
Trước áp lực phải giải quyết vụ án nhanh chóng, cảnh sát liên tục triệu tập và thẩm vấn những nam thanh niên đi xe máy sống ở phía Tây Tokyo nhưng lại ra về tay không.
Sau đó, họ tiếp tục xác định ghi phạm chính là một thanh niên 19 tuổi, con trai của một cảnh sát địa phương. Tuy nhiên, người này lại tử vong vì ngộ độc kali xyanua chỉ 5 ngày sau khi vụ cướp xảy ra. Mặc dù thanh niên không có bằng chứng ngoại phạm, nhưng cảnh sát cũng không tìm được số tiền đã bị cướp nên đây được cho là một vụ tự sát và được loại khỏi vụ án.
Một cuộc điều tra quy mô lớn của cảnh sát đã được tiến hành, họ phát đi đến 780.000 ảnh truy nã trên khắp Nhật Bản. Danh sách nghi phạm bao gồm 110.000 cái tên và có đến 170.000 cảnh sát tham gia vào cuộc điều tra lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản này.
Nghi phạm khác được xác định là một người đàn ông 26 tuổi, anh ta bị bắt vì một tội danh khác nhưng tình cờ được phát hiện khớp với hình vẽ phác thảo của viên cảnh sát giả. Người này sau đó được thả vì có chứng cứ ngoại phạm trong thời điểm xảy ra vụ cướp.
Đến ngày ngày 15/11/1975, một người bạn của nghi phạm 19 tuổi đã tự tử bằng kali xyanua trước đó bị bắt vì một tội danh khác cùng với số tiền lớn. Khi vụ cướp xảy ra thanh niên này 18 tuổi, anh ta không thể đưa ra lời giải thích về số tiền, nhưng cảnh sát cũng không thể chứng minh được chúng có liên quan gì đến vụ cướp.
Năm 1998, tạp chí Nhật Bản Shukan Hoseki tuyên bố đã phá án và tìm ra kẻ cướp chính là Yuji Ogata (55 tuổi). Ogata cũng công khai thừa nhận rằng hắn ta và một nhóm đồng bọn đã lén chuyển tiền qua hàng rào chắn của cảnh sát bằng cách sử dụng một chiếc xe tải vận chuyển kính rồi bỏ trốn. Một số tờ báo đã đặt câu hỏi về tính xác thực của câu chuyện này vì thiếu bằng chứng cho thấy Ogata thực sự có tham gia. Câu chuyện bị lật tẩy sau khi gia đình Yuji Ogata nói rằng hắn ta mắc nợ đến mức phải vay tiền họ sau vụ cướp và vốn một người nổi tiếng là hay thích bịa chuyện.
Chiếc xe màu trắng của tên cướp để lại hiện trường gây án. Ảnh: Vintage Everyday |
Bí ẩn không lời giải hơn nửa thế kỷ
Vào tháng 12/1975, khi thời hiệu của vụ án kết thúc mà vẫn không ai bị bắt giữ, đồng nghĩa với việc tên cướp đã được miễn mọi trách nhiệm dân sự, có thể lộ diện và kể câu chuyện của mình mà không sợ hậu quả pháp lý. Nhưng cuối cùng vẫn không có ai ra mặt và những suy đoán về danh tính của hắn vẫn tiếp tục cho đến hơn 50 năm qua.
Hiện tại, vụ án khét tiếng nhất đất nước vẫn có sức hấp dẫn đến mức có cả một tour du lịch tham quan mới tới các địa điểm quan trọng trong vụ cướp.
“Một trong những gợi ý thuyết phục nhất là người đàn ông là cảnh sát hoặc con trai của một sĩ quan đang phục vụ. Điều này giải thích tại sao hắn ta biết về các thủ tục của cảnh sát và có được đồng phục, cũng như cách anh ta có thể trốn tránh cuộc khám xét sau đó. Quy mô và sự táo bạo của tội ác đã gây ấn tượng với mọi người vào năm 1968 và cũng sẽ gây ấn tượng như vậy nếu nó xảy ra ngày hôm nay. Bí ẩn về việc ai đã làm điều đó và làm thế nào hắn có thể giữ im lặng suốt nửa thế kỷ vẫn luôn là điều khiến tất cả chúng ta phải tò mò" - Makoto Watanabe, phó giáo sư truyền thông và truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo nhận xét.