Cuộc chiến “mèo vờn chuột”
Các hệ thống tác chiến điện tử có nhiều kích thước và hình dạng, từ thiết bị bỏ túi, các mảng radar và máy thu phát gắn trên xe tải cho đến các hệ thống trên không hoặc tàu chiến. Trên chiến trường, các lực lượng tác chiến điện tử của Ukraine và Nga đã tạo ra thế “mèo vờn chuột”, liên tục gây nhiễu các hệ thống của nhau.
Không gian là môi trường hỗ trợ các hoạt động thông tin liên lạc, tình báo, giám sát, trinh sát, dẫn đường và xác định mục tiêu. Trong môi trường ấy, cả Nga và Ukraine đều ra sức gây nhiễu các liên kết dữ liệu và tín hiệu định vị toàn cầu (GPS). Chiến tranh Ukraine chứng kiến lần đầu tiên các bên đưa máy bay không người lái vào sử dụng với số lượng lớn. Do đó, gây nhiễu điện tử và vũ khí năng lượng định hướng đã được tận dụng tối đa.
Khi cuộc chiến Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết thì một điểm nóng khác một lần nữa cho thấy sự hữu hiệu của các hoạt động tác chiến điện tử. Các vụ nổ thiết bị nhắn tin và bộ đàm gần đây liên quan đến lực lượng Hezbollah đã mở ra một chiều hướng mới cho chiến tranh hiện đại. Một số nhà quan sát quân sự coi đây là một trong những sự kiện để giới lãnh đạo quân đội nhiều nước phải xem xét lại tầm quan trọng của tác chiến điện tử và rút ra những bài học.
Theo cựu Thống chế Không quân Ấn Độ Anil Chopra, tác chiến điện tử là tất cả các hành động phân tích, thao túng hoặc ngăn chặn kẻ thù sử dụng bức xạ điện từ và bảo vệ việc sử dụng bức xạ điện từ của phe mình trước các cuộc tấn công tương tự của kẻ thù.
Bức xạ điện từ là một dạng năng lượng được phát ra và truyền qua không gian dưới dạng sóng hoặc hạt. Nó bao gồm các dao động của cả trường điện và trường từ, di chuyển theo hướng vuông góc với nhau và với hướng di chuyển của sóng. Bức xạ điện từ có thể truyền qua cả môi trường chân không và các môi trường vật chất khác.
Tùy thuộc vào phạm vi hoạt động, tác chiến điện tử có thể được chia thành cấp độ chiến thuật, chiến dịch-chiến thuật và chiến lược. Cấp chiến thuật (tactical) là các hoạt động quân sự ở quy mô nhỏ, diễn ra trong khoảng cách ngắn (dưới 50 km), tập trung vào các trận đánh hoặc nhiệm vụ cụ thể. Chiến dịch-chiến thuật (operational-tactical) có quy mô lớn hơn, trong phạm vi từ 50 km đến 500 km. Đây là mức độ trung gian, thực hiện các mục tiêu chiến thuật để đạt được thành công trong các chiến dịch quân sự lớn hơn. Cấp chiến lược (strategic) là hoạt động quân sự có phạm vi rất lớn, trên 500 km, nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn và tác động toàn diện lên tình hình chiến tranh hoặc xung đột.
Theo một bài viết trên EA Times, kể từ cuộc cải cách quân sự năm 2008, Nga đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực tác chiến không gian mạng và tác chiến điện tử nhằm đối phó với các năng lực quân sự của khối NATO vốn phụ thuộc nhiều vào các hệ thống điện tử tinh vi.
Trên chiến trường Ukraine, quân Nga đã triển khai các năng lực tác chiến điện tử được xem là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Ở thời điểm đầu cuộc chiến, VKS (Lực lượng Không gian vũ trụ Nga) đã tiến hành các cuộc oanh kích nhằm vào hệ thống phòng không trên bộ của Ukraine, sử dụng kết hợp tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo cùng vũ khí chống bức xạ, được thiết kế đặc biệt để phát hiện và tiêu diệt các nguồn bức xạ điện từ, chẳng hạn như radar, hệ thống liên lạc hoặc các thiết bị phát sóng. Các tên lửa chống bức xạ có khả năng tự động "theo dấu" tín hiệu điện từ phát ra và tấn công vào nguồn phát.
Các hệ thống tấn công điện tử và mồi bẫy trên không của Nga làm nhiễu loạn radar phòng không của Ukraine khiến nhiều radar ngừng hoạt động hoặc phải chuyển vị trí. Trong giai đoạn 2014-2022 ở miền Đông Ukraine, quân Nga đã gửi thông tin và lệnh giả cho quân Ukraine bằng cách giả mạo mạng di động địa phương. Cả hai bên đều đã sử dụng tác chiến điện tử để gây nhiễu máy bay không người lái đối phương, mặc dù do thiếu sự phối hợp, nhiều lần máy bay không người lái của “phe ta” cũng bị gây nhiễu.
Ukraine đã sử dụng các máy gây nhiễu chống máy bay không người lái di động do Mỹ cung cấp. Về phần mình, trước khi bàn giao tiêm kích F-16 cho Ukraine, các chuyên gia Mỹ đã lập trình lại các hệ thống tác chiến điện tử trên máy bay, hy vọng việc này giúp chúng sống sót đồng thời giảm nguy cơ tiết lộ thông tin điện tử nhạy cảm của NATO. Ngoài các thiết bị được viện trợ, Ukraine tự chế tạo một hệ thống mang tên Pokrova được nói là có khả năng vô hiệu hóa hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga, thay thế các tín hiệu thật bằng các tín hiệu giả. Theo phía Ukraine, Pokrova đã khiến hơn 20 trong số hơn 40 tên lửa Nga phóng đi trong cuộc tấn công hồi tháng 1/2024 bắn trượt mục tiêu.
Trong cuộc xung đột, quân Ukraine đã chiếm được một số khí tài tác chiến điện tử có giá trị cao của Nga và được cho là đã chuyển giao chúng cho các quốc gia đồng minh để phục vụ mục đích tình báo kỹ thuật. Báo chí Ukraine nói công ty Kvertus của nước này đang phát triển một máy gây nhiễu có thể đeo lưng nặng 8 kg dành cho bộ binh. Máy có khả năng chặn các tín hiệu trong dải tần 850 - 940 megahertz, là dải tần được sử dụng phổ biến cho máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV). Chính phủ Ukraine đã tổ chức một cuộc thi để các công ty nghiên cứu cách gây nhiễu máy bay không người lái Shahed do Iran chế tạo, có trong biên chế của quân đội Nga. Ukraine bị áp đảo về số lượng vũ khí, khí tài tác chiến điện tử và họ buộc phải tìm ra cách ứng phó. Trong một số trường hợp, phi công chiến đấu Ukraine bay ở độ cao chưa đến 40m để ẩn dưới đường chân trời trên radar của tên lửa đất đối không Nga, sử dụng nhiễu mặt đất và địa hình để tránh bị phát hiện.
Do thiếu thiết bị, binh lính Nga thường sử dụng radio cầm tay dân dụng và điện thoại di động thay vì radio chiến thuật có khả năng chống nhiễu. Lực lượng tác chiến điện tử Ukraine đã khai thác những điểm yếu này và tìm cách nghe lén các đường truyền không được mã hóa của lính Nga, gây nhiễu thông tin liên lạc và thực hiện nhắm mục tiêu cho vũ khí tầm xa bằng các kỹ thuật định hướng.
“Quân Ukraine cũng sử dụng khả năng tấn công điện tử để làm giảm hiệu suất các nền tảng cảnh báo sớm trên không của không quân Nga. Việc Nga không thể giải quyết xung đột giữa tác chiến điện tử với các hoạt động tác chiến khác của chính họ dẫn đến việc gây nhiễu không chủ ý hay còn được gọi là tự sát điện tử đối với lực lượng của chính mình, do đó giúp phòng không mặt đất của Ukraine trở nên hiệu quả hơn”, chuyên gia Chopra nhận định trên EA Times.
Cuộc chiến vô hình
Nga đã mất nhiều máy bay trong những tháng đầu của cuộc chiến và buộc phải trông cậy vào tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình đắt tiền cho các hoạt động tấn công tầm xa. Trên thực tế, Ukraine đã thành công trong việc ngăn cản Nga chiếm ưu thế trên không, dù vũ khí và khí tài thua sút.
Tuy nhiên, theo ông Chopra, cần phải nhìn nhận là Nga cũng đã chứng tỏ năng lực tác chiến điện tử rất mạnh của họ. Mật độ các hệ thống tác chiến điện tử mà Nga có thể triển khai là nhờ vào nhiều năm đầu tư, tạo ra diện mạo mới trong lĩnh vực này. Người ta ước tính rằng Nga có từ 18.000 đến 20.000 quân chuyên trách trong các đơn vị tác chiến điện tử. Lực lượng tác chiến điện tử của Nga đã gây nhiễu máy bay tình báo - giám sát - trinh sát của NATO hoạt động gần biên giới Ukraine. Nga di chuyển các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa về phía trước để buộc các khí tài trinh sát - giám sát của NATO phải lùi lại ở khoảng cách an toàn. Điều đó cũng khiến việc khối quân sự này hỗ trợ Ukraine trong việc thu thập thông tin tình báo trở nên khó khăn hơn.
Ngay cả những vũ khí tối tân, thông minh nhất của Mỹ cũng bị quân Nga vô hiệu hóa bằng tác chiến điện tử. Khi Ukraine nhận được đạn pháo Excalibur từ Mỹ hồi tháng 3/2022, chúng ngay lập tức được đưa ra chiến trường. Loại đạn thông minh này sử dụng định vị vệ tinh GPS để xác định đường bay và vị trí mục tiêu. Nhưng đến năm 2023, các quả đạn có đơn giá gần 1,7 tỷ đồng bắt đầu bắn trượt mục tiêu. Lực lượng tác chiến điện tử Nga đã làm quá tải bộ thu tín hiệu trên Excalibur bằng tiếng ồn hoặc thông tin sai lệch, ngăn chặn tín hiệu GPS của hệ thống pháo và do đó vô hiệu hóa chúng. Máy gây nhiễu Pole-21 và RP-377 của Nga đã được sử dụng để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhỏ (drone) của Ukraine.
Tác chiến điện tử đã được sử dụng để vô hiệu hóa các hệ thống thông tin liên lạc và gây nhiễu tín hiệu GPS của đối phương: khi các vệ tinh GPS của không quân Mỹ bay trên cao, các lực lượng Nga đã chặn tín hiệu của chúng khiến việc điều khiển drone trở nên khó khăn. Các loại đạn dược dẫn đường chính xác hoặc không thể khai hỏa do thông tin đầu vào sai lệch hoặc tọa độ mục tiêu của chúng đã bị "làm giả", khiến chúng đến sai vị trí. Tháng 4/2023, các vấn đề như thế xuất hiện ngay sau khi Mỹ giao cho Ukraine các loại bom dẫn đường JDAM và tên lửa phóng loạt dẫn đường tầm xa GMLRS, có thể được sử dụng kết hợp với hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS do Mỹ sản xuất.
Binh lính Nga còn gây nhiễu khiến cả máy bay không người lái trinh sát và tấn công của Ukraine hoặc rơi, hạ cánh tại chỗ hoặc thậm chí tự động từ bỏ nhiệm vụ, trở về căn cứ. Hiện tại, trên tiền tuyến, cứ 10 km, Nga lại bố trí một hệ thống tác chiến điện tử lớn. Trong "cuộc chiến máy bay không người lái", khả năng gây nhiễu của Nga đã tạo ra một thách thức lớn đối với Ukraine và đồng minh ở tiền tuyến. Trong nhiều tháng, máy bay không người lái do một công ty công nghệ Đức là Quantum Systems cung cấp đã được quân đội Ukraine sử dụng để tấn công xe tăng và binh sỹ Nga. Nhưng đến cuối năm 2023, những cỗ máy này đột ngột rơi xuống khi đang bay trở về sau các nhiệm vụ. Người Nga đã gây nhiễu các tín hiệu không dây kết nối máy bay không người lái với các vệ tinh dẫn đường, khiến chúng lao xuống đất.
EA Times dẫn nguồn tin từ báo chí Nga cho hay ít nhất ba trong số 5 lữ đoàn tác chiến điện tử của Nga, những đơn vị thu được nhiều kinh nghiệm ở Syria, tham gia cuộc chiến ở Ukraine. Tổ hợp tác chiến Shipovnik-Aero của Nga đặc biệt hiệu quả trong việc chống lại các hoạt động của máy bay không người lái Ukraine. Tầm tác chiến của hệ thống này là 10 km, có thể giành quyền điều khiển máy bay không người lái đối phương đồng thời thu thập tọa độ vị trí của người điều khiển với độ sai lệch chỉ một mét.
Krasukha-4 là một trong những hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến nhất của Nga, có khả năng hoạt động ở phạm vi lên tới 300 km. Hệ thống này được thiết kế chủ yếu để gây nhiễu radar kiểm soát hỏa lực trên không hoặc vệ tinh. Nó có thể làm mất phương hướng tên lửa AIM-120 AMRAAM và radar phòng không Patriot, các vũ khí, khí tài do Mỹ chế tạo.
“Rõ ràng tác chiến điện tử là công cụ hỗ trợ chính cho các cuộc chiến trong tương lai. Các hoạt động tác chiến điện tử ở Đông Âu hiện nay cho thấy các học thuyết quân sự và công tác huấn luyện trong quân đội nhiều quốc gia cần được xem xét lại. Các nhà hoạch định quân sự cần phải nghĩ tới các chiến thuật mới trong bối cảnh tác chiến điện tử ngày càng phổ biến và tinh vi”, ông Chopra kết luận.