Là nhân chứng của hai quả bom hạt nhân duy nhất từng được sử dụng trong xung đột trên thế giới, các thành viên của Nihon Hidankyo, hay còn gọi là Hibakusha, đã có nhiều đóng góp cho cuộc đấu tranh vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
"Tổ chức Nihon Hidankyo được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực nhằm đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân và thông qua lời kể của nhân chứng để nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân không bao giờ được sử dụng thêm một lần nữa", Ủy ban Nobel Na Uy thông báo ngày 11/10.
Không nêu tên các quốc gia cụ thể, Joergen Watne Frydnes, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, đã cảnh báo rằng các quốc gia hạt nhân không nên nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
"Vũ khí hạt nhân ngày nay có sức hủy diệt lớn hơn nhiều. Chúng có thể giết chết hàng triệu người và sẽ tác động thảm khốc đến khí hậu", ông Joergen Watne Frydnes nhấn mạnh. "Một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể hủy diệt nền văn minh của chúng ta".
Năm tới sẽ đánh dấu kỷ niệm 80 năm ngày Mỹ thả bom hạt nhân xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng 8/1945.
Ủy ban Nobel Na Uy thường xuyên tập trung vào vấn đề vũ khí hạt nhân, gần đây nhất là giải thưởng được trao cho ICAN, Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân, vào năm 2017.
Giải Nobel Hòa bình, trị giá 11 triệu crown Thụy Điển, tương đương khoảng 1 triệu USD, dự kiến sẽ được trao tại Oslo vào ngày 10/12, kỷ niệm ngày mất của nhà phát minh Thụy Điển Alfred Nobel, người sáng lập ra giải thưởng này vào năm 1895.