Phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
Cuốn sách “Hà Nội thời cận đại” là một nghiên cứu công phu và toàn diện về sự “thay da đổi thịt” của Hà Nội trong quá trình trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, trở thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Tiến sĩ Đào Thị Diến chia sẻ: “Là một người sinh ra và lớn lên trong một khu phố nhỏ ở phía Bắc thành Hà Nội gần 2 năm trước ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954, tuổi thơ tôi trôi qua êm đềm với biết bao kỷ niệm ở vườn hoa Hàng Đậu gần tháp nước tròn cổ kính, với tiếng tàu điện leng keng dọc phố Quán Thánh, với con đường Phan Đình Phùng có cổng thành Hà Nội còn nguyên vết đạn pháo công thành của thực dân Pháp..., con đường dẫn tới Trường Chu Văn An thân yêu tôi đã học trong những năm cấp II rồi cấp III, sau khi đi sơ tán trở về. Với tôi, các con phố nhỏ như Đặng Tất, Lý Nam Đế, rồi vườn hoa Cửa Nam... đã trở thành một phần không thể thiếu của tuổi ấu thơ”. Vì thế, viết về Hà Nội, tái hiện những năm tháng lịch sử huy hoàng lẫn thương đau của Hà Nội, đối với bà vừa là niềm say mê, vừa là trách nhiệm với thành phố quê hương.
Lịch sử Hà Nội thời kỳ cận đại, mở đầu vào các năm 1873, 1882 với 2 cuộc tấn công thành Hà Nội của quân đội viễn chinh Pháp và kết thúc vào năm 1945, có thể xem là một giai đoạn bản lề trong việc định hình nên diện mạo của thành phố này. Đó là giai đoạn mà Hà Nội đi qua những năm tháng cả hào hùng lẫn thương đau, bị tàn phá và được kiến thiết, ở đó những biến động lớn lao đã hằn in lên trang sử của Hà Nội một dấu ấn không thể phai mờ đến tận hôm nay.
Tiến sĩ Đào Thị Diến đã giúp độc giả có một hình dung bao quát về Hà Nội trong quá trình trở thành một “thành phố Pháp - thủ phủ của Liên bang Đông Dương". Ở đó, tác giả đưa ra một bức tranh toàn cảnh nhằm phản ánh quá trình biến đổi của Hà Nội diễn ra trên tất cả các lĩnh vực gồm: chính trị; địa giới và tổ chức hành chính; quy hoạch, xây dựng và mở rộng thành phố; văn hóa - xã hội; giao thông; giáo dục; bảo vệ cảnh quan và các di tích lịch sử. Chính nhờ cách khai thác toàn diện như vậy mà cuốn sách đã tái hiện lại dáng dấp của một Hà Nội năm xưa, vừa qua hình ảnh bao quát, vừa ở chi tiết cụ thể.
GS, Nhà giáo nhân dân Vũ Dương Ninh chia sẻ: “Một Hà Nội năm xưa với những tên đường, tên phố cùng mạng lưới giao thông bước đầu mang dáng dấp hiện đại, một Hà Nội với những công trình văn hóa từ Văn Miếu Quốc Tử Giám cổ kính đến Viễn Đông Bác Cổ mang trong mình sứ mệnh bảo vệ và suy tôn những di sản văn hóa quý giá. Ta bắt gặp ở đây một Hà Nội đang biến đổi với những phố xá rộng rãi, những biệt thự xinh xắn... Một Hà Nội với những ngôi trường mới, du nhập nền giáo dục mới, thay thế dần hệ thống Nho học cũ... Bao trùm lên tất cả là một Hà Nội với nền quản trị theo hướng tân tiến và mang diện mạo của một thành phố Âu Tây”.
Giải mã những bí ẩn lịch sử bằng hồ sơ lưu trữ
Tiến sĩ Đào Thị Diến theo đuổi phương pháp nghiên cứu dựa trên các tài liệu lưu trữ. Tài liệu lưu trữ được xem là nguồn thông tin gốc, là những thực chứng lịch sử trong việc nghiên cứu về lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử Hà Nội nói riêng. Với việc tận dụng và khai thác triệt để tài liệu lưu trữ - được coi là những “nhân chứng sống động” về lịch sử Hà Nội thời kỳ cận đại, bà đã tái hiện trong sách rất sinh động cuộc tấn công, đánh chiếm thành Hà Nội từ góc nhìn của kẻ xâm lược qua thư từ, báo cáo của các sĩ quan người Pháp như Coquerie, F. Garnier, H. Rivière,...; quá trình chi tiết của việc quy hoạch địa giới hành chính, việc thành lập và đặt tên cho các đường, phố thông qua các nghị định của chính quyền; cuộc đấu tranh quyết liệt của Hội Địa lý Hà Nội và Viện Viễn Đông Bác Cổ trong việc bảo vệ cảnh quan hồ Tây qua các kiến nghị gửi lên Hội đồng thành phố.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Cuốn sách đóng góp thiết thực vào việc nhận thức lịch sử Hà Nội, bổ sung và sửa không ít những sai sót từ giới sử học. Tôi đánh giá cao điểm này và đó cũng là lợi thế của những người làm công tác lưu trữ”.
Tài liệu lưu trữ đã giúp cung cấp những cứ liệu xác đáng để chúng ta hôm nay có cái nhìn đúng đắn hơn về lịch sử Hà Nội. Cùng một sự kiện thực dân Pháp tấn công, chiếm đóng thành Hà Nội, chỉ khi thấy được góc nhìn, quan điểm, thái độ của kẻ xâm lược qua các thư từ, báo cáo trong tài liệu lưu trữ, chúng ta mới thấy từng có ý định biến Hà Nội thành một “Paris thu nhỏ”, một “thành phố Pháp” hoa lệ... Nói cách khác, tài liệu lưu trữ là những cứ liệu vô giá để chúng ta hiệu chỉnh nhận thức của mình về lịch sử.
Tác giả Đào Thị Diến, trong nỗ lực thấu hiểu và dựng lại bức tranh toàn diện về lịch sử Hà Nội thời cận đại, thay vì đưa ra những kết luận đóng đinh và xét đoán thiên lệch, lại muốn giới thiệu, truyền tải những thông tin chân thực, khách quan, qua đó khơi gợi tình yêu mến, trân trọng của thế hệ hôm nay dành cho thành phố Hà Nội. Vì tình yêu, đặc biệt là tình yêu dành cho một thành phố, bao giờ cũng cần xuất phát từ những sự thực và hiểu biết đầy đủ về thành phố đó.
Bà nói: “Những tài liệu được sử dụng trong cuốn sách này rất có thể giúp các cơ quan chức năng rà soát, thể chế hóa các quy định của Nhà nước nhằm tạo ra một hành lang pháp lý để đảm bảo quản lý đô thị phát triển theo đúng quy hoạch và có thể đóng góp có hiệu quả đối với việc nghiên cứu và phổ biến văn hóa của Thủ đô. Hy vọng sách sẽ được các người trực tiếp làm công tác quản lý ở Hà Nội quan tâm”.
Cuốn sách đã được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, 2024. Bởi, như bà từng chia sẻ: “Nếu không có một tình yêu mãnh liệt với nơi chôn nhau cắt rốn của mình là Hà Nội, nếu không vì muốn lan tỏa những kiến thức về Hà Nội cho những người cùng có tình yêu Hà Nội như mình, làm sao tôi có thể vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành những cuốn sách về Hà Nội mà tôi từng viết”...
Tiến sĩ Đào Thị Diến, sinh năm 1953 tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp chuyên ngành Sử Thế giới, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1970-1975) và sau đó công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội (1975-2008). Bà có bằng thạc sĩ lịch sử (năm 1999) và bằng tiến sĩ lịch sử (năm 2004) tại Đại học Paris 7 - Denis Diderot (Pháp). Bà là tác giả của nhiều chuyên luận đã xuất bản về Hà Nội như “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ” (1873-1954) - 2 tập, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, NXB Hà Nội - 2010. “Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội từ 1885 đến 1954”, NXB Hà Nội - 2019. Bà cũng tham gia biên soạn các sách: “Từ điển đường phố Hà Nội”, NXB Hà Nội - 2010; “Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội”, NXB Hà Nội - 2010; “Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính”, NXB Hà Nội - 2017 và “Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội” (từ đầu thế kỷ XIX đến nay), NXB Hà Nội - 2019. |