Xây dựng bộ tiêu chí cụ thể về chuẩn mực đạo đức cách mạng
Phát biểu đề dẫn Hội thảo khoa học quốc gia "Thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của CBCS CAND trong giai đoạn mới" chiều 9/4, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đánh giá, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn lực lượng CAND đối với công tác xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, chuẩn mực đạo đức cách mạng là những giá trị, nguyên tắc, quy tắc ứng xử nhằm định hướng hành vi của cán bộ, đảng viên trong mọi hoạt động của đời sống chính trị, xã hội. Đạo đức cách mạng không chỉ là sự trung thành với lý tưởng của Đảng mà còn thể hiện ở tinh thần tận tuỵ với nhân dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Đảng ta luôn xác định xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện trong nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng như: Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 144 ngày 9/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới...
"Những quy định này là "kim chỉ nam" cho cán bộ, đảng viên nói chung, mà trong giai đoạn hiện nay còn đặt ra yêu cầu rất cao đối với lực lượng CAND - một lực lượng trực tiếp thực thi pháp luật, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo đảm ANTT và phục vụ nhân dân là phải tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống", Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý.
Đồng chí đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận, làm rõ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuẩn mực đạo đức cách mạng và việc rèn luyện, thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với CBCS CAND trong giai đoạn hiện nay; thảo luận, đề xuất phương hướng xây dựng bộ tiêu chí cụ thể về chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với từng lực lượng, từng cấp bậc, chức vụ trong CAND nhằm nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy; chỉ rõ tiêu chí để mỗi CBCS Công an giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích cực đổi mới, học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ...
Dưới sự điều hành của TS Hoàng Trung Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi ý kiến về những vấn đề lý luận chung về đạo đức cách mạng và thực hiện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; CAND gương mẫu, đi đầu thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng, xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Điển hình như tham luận "Xây dựng Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân" của PGS.TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; tham luận "Nêu gương trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng" của đồng chí Đào Tuấn Anh, đại diện Bảo tàng Hồ Chí Minh; tham luận "Nêu gương thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ CAND trong kỷ nguyên phát triển mới" của ThS. Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; tham luận "Cựu CAND tiếp tục giữ gìn và phát huy chuẩn mực đạo đức cách mạng trong tình hình mới" của Trung tướng Trần Văn Nhuận, Phó Chủ tịch Hội Cựu CAND Việt Nam; tham luận "Chuẩn mực đạo đức của người chiến sĩ Cảnh vệ CAND" của Thiếu tướng Phạm Tiến Cương, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; tham luận "Thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của CBCS CSGT trong giai đoạn mới" của Trung tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT...
Mỗi CBCS Công an phải thường xuyên tự giác soi mình
Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Lương Tam Quang khẳng định, qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng, trực tiếp là học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy CAND chính là nguồn động lực, cội nguồn sức mạnh để lực lượng CAND vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thực sự trở thành "thanh bảo kiếm", "lá chắn thép" bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN.
Kiên định lập trường chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, "chỉ biết còn Đảng thì còn mình", lực lượng CAND đã chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo đảm ANTT, kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình để xây dựng và phát triển đất nước.
Gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện phương châm gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân, lực lượng CAND đã đẩy mạnh các hoạt động giúp dân, thi đua làm nhiều việc tốt phục vụ nhân dân, khởi xướng, truyền cảm hứng cho cả hệ thống chính trị và đi đầu trong phong trào xoá nhà tạm, nhà dột nát, bố trí Công an xã, không tổ chức Công an cấp huyện, đưa Công an về gần dân để phục vụ nhân dân, thực hiện đúng lời dạy của Bác: "Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân".
"Thực tiễn cho thấy, mỗi chiến công, mỗi thành tích, mỗi bước trưởng thành của lực lượng CAND đều bắt nguồn từ việc thực hiện nghiêm túc chuẩn mực đạo đức cách mạng. Ở đâu và khi nào, mỗi đơn vị, mỗi CBCS Công an quán triệt, rèn luyện và thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng, thì ở đó, khi đó, ANTT được bảo đảm, Công an được nhân dân tin yêu, cấp uỷ, chính quyền tin cậy" - Bộ trưởng Lương Tam Quang nhận định.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của CBCS CAND trong kỷ nguyên mới, Bộ trưởng yêu cầu từng đơn vị Công an căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cụ thể hoá các chuẩn mực đạo đức cách mạng thành những chuẩn mực về đạo đức, lối sống, phong cách làm việc, thành những tiêu chí thi đua để phấn đấu thực hiện.
Mỗi CBCS Công an phải thường xuyên tự giác soi mình, học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tư cách của người Công an cách mạng theo các chuẩn mực đạo đức cách mạng, luôn vững vàng trước sự tấn công của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, những cám dỗ tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường; đồng thời thường xuyên bồi đắp ý chí khắc phục khó khăn, gian khổ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, nhạy bén, mưu trí, dũng cảm trong công tác và chiến đấu. Lấy kết quả thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng là một trong những nội dung quan trọng để đánh giá, phân loại, bình xét thi đua hằng năm của các tập thể, cá nhân, nhất là đánh giá cán bộ để quy hoạch, luân chuyển, điều động, đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.
Trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, theo Bộ trưởng, phẩm chất của cán bộ, như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đó là bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Có bản lĩnh, quyết tâm cao, sẵn sàng dấn thân, hy sinh lợi ích của cá nhân. Dám đi đầu, đổi mới, loại bỏ cái cũ, cái lạc hậu; khơi thông điểm nghẽn, giải quyết vướng mắc, ách tắc trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; giải quyết những vấn đề sai sót tồn đọng, kéo dài hoặc đột phá đối với những vấn đề mới chưa có quy định hoặc quy định chồng chéo, thiếu thống nhất, khó thực hiện. Có năng lực cụ thể, tổ chức thực hiện, đưa chủ trương chiến lược của Đảng vào thực tiễn từng bộ, ban, ngành, địa phương, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng chiến lược, cải cách triệt để thủ tục hành chính...
Đồng chí Trung tướng Trần Văn Nhuận, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Tổ chức, chính sách - Hội Cựu CAND Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Hội dự Hội thảo và có bài tham luận “Cựu CAND tiếp tục giữ gìn và phát huy chuẩn mực đạo đức cách mạng trong tình hình mới”. Bài tham luận của đồng chí Phó Chủ tịch Trung ương Hội đã đánh giá tổng quát hoạt động của Hội Cựu CAND Việt Nam từ khi thành lập đến nay; cung cấp cơ sở thực tiễn vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội của các tổ chức Hội và hội viên Cựu CAND... qua đó bổ sung cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn cho các cơ quan nghiên cứu khoa học và cơ quan hoạch định công tác cán bộ của Bộ Công an; đồng thời cũng đã nêu bật được vai trò, tầm vóc của Hội Cựu CAND Việt Nam trong đời sống xã hội... |