Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Hội nghị có sự tham gia của các đồng chí: Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Nguyễn Phương Nga, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Nhân quyền Chính phủ cùng hơn 350 đại biểu đại diện các Bộ, Ban, ngành thành viên BCĐ Nhân quyền Chính phủ và đại diện các sở, ban, ngành thành viên BCĐ Nhân quyền của 35 tỉnh, thành phố.
Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước có liên quan công tác nhân quyền của Việt Nam; nhận định những thách thức có thể tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền và đề ra các giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và các nước trên thế giới tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng của tình hình thế giới, khu vực, cùng với đó là các thách thức nổi lên tác động không nhỏ tới những thành quả phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức và duy trì đà tăng trưởng, tạo cơ sở để tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy các mục tiêu bảo đảm quyền con người. Theo báo cáo mới nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi lên 6,1% vào năm 2024, cao hơn mức dự báo gần 6% được đưa ra hồi tháng 6/2024.
Công tác đối thoại nhân quyền với Mỹ, EU, Australia đạt nhiều kết quả tích cực, thực chất, góp phần quan trọng vào thúc đẩy quan hệ với các đối tác, trong đó có việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời khẳng định thành công của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người.
Trong đối thoại, các nước này đánh giá cao vai trò, đóng góp của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) với những sáng kiến và hoạt động hiệu quả. Việt Nam đã có nhiều sáng kiến phù hợp với ưu tiên của Việt Nam và quan tâm chung của thế giới, như phát triển bền vững, thúc đẩy bình đẳng giới…, qua đó đóng góp vào hiệu quả hoạt động chung của cơ quan quan trọng nhất về quyền con người của LHQ.
Việt Nam phát huy hiệu quả vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 với nhiều dấu ấn, sáng kiến; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các cam kết quốc tế về quyền con người; đạt nhiều thành tựu trong công tác bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam bảo vệ thành công báo cáo quốc gia thực thi các công ước quốc tế về nhân quyền và mới đây trong khuôn khổ Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua kết quả Báo cáo rà soát định kỳ phổ quát UPR chu kỳ IV đối với Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng biểu dương kết quả hoạt động của các thành viên BCĐ Nhân quyền Chính phủ và BCĐ Nhân quyền các địa phương thời gian qua; đánh giá một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật, như: thúc đẩy bảo đảm quyền con người tạo sự chuyển biến tích cực từ cấp cơ sở; công tác đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cấp cơ sở; công tác đối ngoại, đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền ngày càng chủ động, hiệu quả, góp phần phục vụ hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam; qua đó phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy và hành động trong công tác của BCĐ Nhân quyền địa phương, đưa công tác nhân quyền trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về nhân quyền cho các địa phương cũng ngày càng được chú trọng.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng nêu một số hạn chế cần khắc phục trong công tác bảo đảm, đấu tranh về nhân quyền; chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo tình hình trong một số lĩnh vực, vụ việc, sự kiện nhằm tránh bị động, bất ngờ; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính, đặc biệt cần đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người, trong đó chú trọng kênh ngoại giao nhân dân, chủ động truyền thông trên không gian mạng, “phủ xanh” bằng các thông tin tích cực... nhằm từng bước đáp ứng công tác nhân quyền trong bối cảnh mới.
Hội nghị đã xác định nhiệm vụ công tác trọng tâm thời gian tới nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm, đấu tranh, tuyên truyền về nhân quyền, bao gồm: Tiếp tục tăng cường công tác thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền con người; xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo, bảo trợ xã hội, an sinh xã hội, chính sách lao động, việc làm; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương; kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh trong các tôn giáo, không để hình thành “điểm nóng” về ANTT; chủ động triển khai công tác thu tin, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình để có kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, vô hiệu hóa hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch, nhất là hoạt động móc nối trong - ngoài, chỉ đạo chống phá Việt Nam vào các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng và các đại biểu tại hội nghị. |
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ Nhân quyền Chính phủ nhấn mạnh, thời gian tới tiếp tục vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ 2023-2025, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia sâu hơn trong công tác thúc đẩy đối thoại, hợp tác về nhân quyền về những lĩnh vực phù hợp với ưu tiên của Việt Nam và quan tâm chung của thế giới; đồng thời thúc đẩy các cam kết để tái ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028.
Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với các thách thức trong lĩnh vực bảo đảm, đấu tranh trong vấn đề nhân quyền. Các thế lực thù địch sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền xuyên tạc Việt Nam đàn áp nhân quyền, đặc biệt lợi dụng các diễn đàn quốc tế nhằm hạ uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Vì thế, công tác bảo đảm quyền con người và đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động chống phá là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài và cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó BCĐ về Nhân quyền các địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng.
Các kết quả đạt được tại hội nghị lần này sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả các mặt công tác của BCĐ Nhân quyền địa phương. Những kinh nghiệm hữu ích, những thông tin được cập nhật tại hội nghị lần này sẽ là cơ sở để các cán bộ vận dụng vào công tác tại địa phương, là nguồn tài liệu tham khảo để tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; góp phần thiết thực gắn kết chặt chẽ công tác bảo đảm, bảo vệ và đấu tranh về quyền con người từ Trung ương đến địa phương.