Sáng 5/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung họp. Đại tướng Phan Văn Giang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu nêu.
Kiến nghị quy định thống nhất với Luật CAND
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) bày tỏ sự thống nhất cao đối với việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam; nhất trí với đề xuất của Ban soạn thảo sửa đổi theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm, quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ. Đại biểu cho rằng, việc sửa đổi này là phù hợp nhằm tăng cường sự chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức, sắp xếp bộ máy của lực lượng QĐND Việt Nam, đảm bảo sự thống nhất với thẩm quyền của Chính phủ trong thực hiện và quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong cơ quan nhà nước và thống nhất quản lý nhà nước về quốc phòng.
So sánh với Luật CAND, đại biểu cho rằng, Điều 25, Luật CAND quy định thẩm quyền quy định cấp bậc hàm tương tự trong lực lượng CAND hiện tại được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. “Theo tôi, nhằm bảo đảm nhất quán, đồng bộ và thống nhất trong lực lượng vũ trang, cần quy định Chính phủ quyết định vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc hàm đối với các chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ trong CAND ngay trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND trong đợt này. Do đó, tôi kiến nghị, đề xuất sửa đổi Điều 25 Luật CAND” – đại biểu kiến nghị.
Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, dự thảo quy định Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại. “Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 25 Luật CAND, thẩm quyền này là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, đề nghị sửa đổi Luật CAND để bảo đảm tính thống nhất về thẩm quyền của Chính phủ trong vấn đề này, đề nghị xem xét, sửa đổi luôn trong luật này” – đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) dẫn nội dung Công văn số 10809 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo kết luận của Bộ Chính trị về việc sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, trong đó có nội dung luật sửa đổi, bổ sung không quy định những vấn đề cụ thể về tổ chức bộ máy và quân hàm cấp Trung tướng trở xuống trong lực lượng vũ trang mà giao Chính phủ và Bộ Quốc phòng quy định cụ thể theo thẩm quyền để đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ trong bố trí lực lượng. “Tôi thấy đây chính là nội dung chỉ đạo chung của Bộ Chính trị cho cả lực lượng CAND và lực lượng QĐND. Do vậy, khi sửa đổi Luật Sĩ quan QĐND lần này, theo kết luận của Bộ Chính trị cũng đặt ra yêu cầu là phải sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật CAND".
Đại biểu cũng dẫn nội dung thảo luận của các đại biểu tại tổ vào chiều 28/10 về dự án luật này, nhiều đại biểu cũng kiến nghị nội dung trên. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra thiết kế ngay Điều 25 Luật CAND trong dự án luật sửa đổi Luật Sĩ quan QĐND để đảm bảo thực hiện nhất quán, kịp thời kết luận của Bộ Chính trị và thống nhất thẩm quyền của Chính phủ quy định về quân hàm cấp trung tướng, thiếu tướng trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Tiếp thu, giải trình nội dung này, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, theo kết luận của Bộ Chính trị sửa các nội dung liên quan đến lực lượng vũ trang. “Chúng tôi sẽ tiếp thu và báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có thể quyết định sửa quy định đối với sĩ quan CAND giống như sửa quy định đối với sĩ quan QĐND. Có nghĩa tạm hiểu theo cách từ quân hàm Trung tướng trở xuống giao cho Chính phủ quyết định bằng một nghị định để thuận tiện cho cả 2 lực lượng” – Bộ trưởng Phan Văn Giang nói
Nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan QĐND
Phát biểu tại phiên thảo luận, vấn đề đa số các đại biểu đều bày tỏ nhất trí đó là quy định tăng tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan QĐND nhằm giải quyết được các vấn đề bất cập trong thực tiễn về chức vụ, hạn tuổi phục vụ và cấp bậc quân hàm cũng như chế độ, chính sách tiền lương liên quan đến sĩ quan như thăng quân hàm, bảo hiểm xã hội, nhà ở và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội.
Nói về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho biết, các đồng chí sĩ quan quân đội đã được đào tạo, huấn luyện trong một môi trường có tính kỷ luật rất cao, có lối sống lành mạnh và được rèn luyện toàn diện cả thể chất và tinh thần. Do đó, dù đã tới tuổi nghỉ hưu theo luật hiện hành nhưng đại đa số các đồng chí đều còn sức khỏe rất tốt, tác phong rất nhanh nhẹn và đầu óc minh mẫn. Việc nghỉ hưu sớm trong trạng thái như vậy là một điều rất đáng tiếc đối với bản thân các đồng chí sĩ quan cũng như đối với lực lượng quân đội, đó là chưa kể ở một số bộ phận có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đòi hỏi phải trải qua một quá trình đào tạo, huấn luyện, tích lũy kinh nghiệm lâu dài cùng với sự nỗ lực rất lớn từ cá nhân mới có thể đáp ứng được năng lực công tác và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. “Do đó, tôi thấy việc sửa đổi theo hướng tăng tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan quân đội là rất cần thiết và cần được tiến hành ngay” – đại biểu nêu.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cũng cho rằng, việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ là hợp lý, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là ngành lao động đặc biệt và cũng phù hợp với việc xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. Việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, theo đại biểu, còn nhằm thu hút nhân tài vào Quân đội. Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) nhất trí với việc tăng hạn tuổi trong dự thảo luật; cho rằng, việc tăng tuổi với sĩ quan phục vụ tại ngũ sẽ tăng thêm thời gian cũng như mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, làm gia tăng sự tích lũy đối với quỹ bảo hiểm xã hội, góp phần thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng trong các chế độ bảo hiểm xã hội dài hạn.
So sánh với Luật Sĩ quan QĐND hiện hành thì tuổi phục vụ tại ngũ của dự thảo luật lần này tăng thấp nhất là 1 tuổi, cao nhất là 5 tuổi, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) nhất trí cao với việc nâng hạn tuổi như trên nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, nhất là trước tác động của các yếu tố an ninh truyền thống, phi truyền thống, cần phải phát huy sự cống hiến, phục vụ trong Quân đội đối với đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe và bảo đảm chế độ, chính sách cho một bộ phận sĩ quan khi nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Không phải Công an thiếu tướng thì Quân đội phải thiếu tướng
Giải trình ý kiến đại biểu nêu về việc phong quân hàm thiếu tướng đối với chỉ huy trưởng quân sự cấp tỉnh tương đương với giám đốc Công an tỉnh, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng, không phải Công an thiếu tướng thì Quân đội phải thiếu tướng vì nhiệm vụ khác nhau. “Chỗ này chúng tôi thấy khó thật. Tôi nói ví dụ giám đốc Công an tỉnh chỉ có 1 thiếu tướng nhưng chúng tôi chỉ huy trưởng quân sự tỉnh còn có chính ủy, mà chỉ huy quân sự trưởng tỉnh lại còn chỉ huy trưởng biên phòng tỉnh cũng có chính ủy, rõ ràng 4 anh này như nhau mà lại chỉ chọn ra phong một anh thì khó cân lắm, hôm nay phong cho quân sự, ngày mai phong cho biên phòng thì khó. Cho nên chúng tôi xin vẫn cứ đại tá. Nhất là nhiệm vụ Công an, Quân đội cũng khác nhau, công an nhiệm vụ khác, quân đội nhiệm vụ khác” – Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu rõ và cho rằng, lực lượng vũ trang trong giai đoạn thời bình, nơi biên giới, nơi hải đảo, nơi đảo xa vất vả hơn rất nhiều các tỉnh nội địa nhưng công an các tỉnh nội địa thì công việc nhiều khi trọng yếu hơn.
Về tăng độ tuổi lên 62 tuổi sĩ quan cấp tướng, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, sĩ quan cấp tướng thì muốn công tác dài hơn, bởi vì ở chức vụ cao, cường độ bằng sức khỏe thì không cần nhiều hơn so với cấp dưới. Nhưng nếu quy định như thế thì cấp tá 58 tuổi nghỉ, cấp tướng 62 tuổi là chênh 4 tuổi. “Như vậy cấp tá không lên tướng được, mà chúng tôi rất nhiều cấp khác nhau, các chức vụ khác nhau. Kinh nghiệm này chúng tôi được nghiên cứu suốt trong bao nhiêu năm qua, điều chỉnh tổ chức biên chế của quân đội nhưng vẫn phải tổ chức từ: tổ, tiểu đội, trung đội, đại đội... rồi lên đến cấp Bộ Quốc phòng để có kinh nghiệm chỉ huy đơn vị. Cho nên chúng tôi xin phép quy định sĩ quan cấp tướng đến 60 tuổi” – Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định.
Một trong những nội dung sửa đổi đáng chú ý trong dự thảo luật lần này là Điều 13 quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm như sau: Cấp úy: 50; Thiếu tá: 52; Trung tá: 54; Thượng tá: 56; Đại tá: 58; Cấp tướng: 60. Cùng với đó, dự thảo luật cũng quy định, khi Quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 điều này không quá 5 năm; sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. |