Freedom House và những “bàn tay đen” ẩn sau
Theo chu kỳ hằng năm, tổ chức phi chính phủ có tên Freedom House có trụ sở tại Washington, D.C Hoa Kỳ lại đưa ra báo cáo thường niên mang tên "Freedom in the World" để chỉ về mức độ tự do dân chủ ở các quốc gia và lãnh thổ trên toàn thế giới. Qua đó, tổ chức này tự đánh giá, xếp hạng tự do và dân chủ của hơn 200 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Năm nay, trong cái gọi là “Báo cáo thường niên năm 2023” vẫn không có gì lạ khi Freedom House vẫn theo lối cũ, động cơ và cách làm cũ để xếp Việt Nam vào nhóm cuối danh sách (thang điểm 22/100 và không có gì biến động như các năm 2020, 2021, 2022). Theo như mức điểm tự chấm của tổ chức trên thì Việt Nam được liệt kê vào nhóm “các quốc gia không có tự do trên Internet”
Theo tuyên bố được đưa ra thì mục đích hoạt động của Freedom House là “theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, khảo sát và nghiên cứu tình hình thực thi các quyền tự do chính trị và dân sự tại các quốc gia trên thế giới”, là “một tiếng nói minh bạch cho dân chủ và tự do trên thế giới”. Tuy nhiên, theo như các thông tin công khai thì nguồn ngân sách hoạt động chủ yếu của Freedom House đến từ Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây. Do đó, có thể thấy tổ chức Freedom House cũng không có gì khác biệt với các tổ chức phi chính phủ mang danh “vì nhân quyền” khác thường xuyên có hoạt động xuyên tạc về tình hình tự do dân chủ, nhân quyền của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW); tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International - AI)… cũng nhận nguồn ngân sách từ Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây.
Qua đó, tiêu chuẩn đánh giá về nhân quyền của các tổ chức này phù hợp với các chính sách và lợi ích của những chính phủ đã chi tiền để hoạt động. Cho nên, dù mang danh các tổ chức phi chính phủ “vì nhân quyền” nhưng các tổ chức trên không thể hiện lập trường độc lập mà bị chi phối bởi quan điểm chính trị và lập trường của quốc gia đã rót tiền nuôi mình. Từ việc bị chi phối bởi nguồn kinh phí hoạt động, có thể thấy các tổ chức trên thường đưa ra các báo cáo về nhân quyền định kỳ hằng năm theo các đánh giá, xếp hạng sai sự thật, mang màu sắc chính trị và chủ quan áp đặt.
Vì vậy, việc tổ chức Freedom House xây dựng và công bố các báo cáo đánh giá, xếp hạng hằng năm như: Báo cáo tự do trên thế giới, báo cáo tự do mạng Inteernet, báo cáo tự do và truyền thông… đã khiến cho nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới phản ứng về độ tin cậy cũng như độ trung thực của tổ chức này. Các tổ chức tự xưng “vì nhân quyền” như Freedom House, HRW hay AI và nhiều tổ chức khác liên tục nhận những chỉ trích và cấm hoạt động tại các quốc gia như Đức, Thái Lan, Trung Quốc, Nga, Cuba, Sri Lanka, Triều Tiên, Ethiopia, Syria... do đưa ra những thông tin không đúng sự thật và tiến hành các hoạt động với nhiều hình thức khác nhau để can thiệp vào nội bộ, làm phức tạp tình hình ở các quốc gia trên.
Nhìn vào các hoạt động của tổ chức này cho thấy sự bất hợp lý và ý đồ bôi nhọ, hạ uy tín, hình ảnh của Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới đối với lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Điều đó càng thể hiện rõ hơn ở một tổ chức không hiện diện ở Việt Nam, không nắm được tình hình thực tiễn về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam song lại tự cho mình quyền đưa ra các báo cáo, bảng đánh giá về dân chủ, nhân quyền một cách suy diễn, áp đặt. Đồng thời, thông qua bản báo cáo, chấm điểm trên của Freedom House có thể thấy bàn tay của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài và số đối tượng chống đối ở trong nước đã cung cấp các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Minh chứng rõ nét bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc
Tự do ngôn luận, báo chí, Internet là quyền biểu đạt của từng con người trong xã hội, thể hiện trình độ văn minh, trình độ dân chủ của xã hội. Ngày nay, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận được mở rộng toàn diện, gồm: Quyền tự do hoạt động nghề nghiệp của người làm báo; quyền tự do ra báo, thành lập các cơ quan truyền thông đại chúng; quyền tự do tiếp cận thông tin báo chí; quyền tự do truyền phát thông tin, biểu đạt quan điểm, quyền được bảo vệ, đối xử công bằng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, môi trường mạng Internet.
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng tăng trưởng kinh tế, xã hội với nhiều thành tựu. Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường luôn là sức mạnh nội sinh thúc đẩy đất nước đi lên trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước ta luôn có đường lối, chủ trương đúng đắn nhằm bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet của mỗi người dân.
Hiện nay, cả nước có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người; trong đó, khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 - 2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp. Cùng với các cơ quan báo chí trong nước, nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt, hoạt động tại Việt Nam.
Theo thống kê của Wearesocial, năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% dân số. Với kết quả ấn tượng này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới, đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet. Tỷ lệ người sử dụng Internet hằng ngày lên tới 94%.
Không dừng lại đó, ngày 15/10/2024, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tuyên bố chính thức khai trương mạng 5G cùng với hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học. Với việc hoàn thành nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào phủ sóng diện rộng hệ sinh thái sản phẩm 5G cả phần cứng và phần mềm đã đưa Việt Nam lọt vào top 5 quốc gia tự chủ công nghệ 5G.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Data Reportal (Singapore), trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và YouTube nhiều nhất thế giới thì Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 9. Cụ thể, Việt Nam có 66,2 triệu người dùng Facebook, 50,6 triệu người dùng TikTok, 63 triệu người dùng YouTube. Cùng với sự phát triển của đất nước, cơ hội tiếp cận thông tin của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta ngày càng được mở rộng, với tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng Internet đạt 61,3%, tăng hơn 9 lần so với năm 2015 - theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. So sánh tỷ lệ hộ sử dụng Internet theo vùng kinh tế - xã hội cho thấy, tỷ lệ này cao nhất thuộc về vùng Đông Nam Bộ (78,3%) và thấp nhất thuộc về vùng Tây Nguyên (46,1%). Trong số 53 dân tộc thiểu số, dân tộc Hoa có tỷ lệ hộ sử dụng Internet cao nhất (83,7%), tiếp đến là dân tộc Ngái (81,9%) và thấp nhất là dân tộc La Hủ (10,2%). Theo Báo cáo SEA 2023 vừa được Google và Temasek công bố đã nhận định, kinh tế số Việt Nam đang trên đà phát triển và sẽ đạt 45 tỷ USD vào năm 2025.
Ngày 20/3/2024, mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố Báo cáo hạnh phúc thế giới thường niên lần thứ 10, trong đó nêu rõ chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, từ vị trí 65 (năm 2023) lên vị trí 54 với tổng điểm trung bình là 6,043. Bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc quốc gia dựa trên kết quả khảo sát tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó chính là sự thật, là một Việt Nam luôn coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền con người và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết.
Sự tham gia tích cực tại Hội đồng nhân quyền, sự đóng góp thiết thực, có ý nghĩa đối với công việc chung của Việt Nam tại Liên hợp quốc trên tinh thần “tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và hợp tác, đảm bảo mọi quyền cho tất cả mọi người” là thực tế khách quan. Đặc biệt, những thành tựu này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đúng như Surya Deva (Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển) đã ghi nhận vai trò của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và sự tham gia trách nhiệm, tích cực của Việt Nam trong Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR).
Bằng những hành động cụ thể, không chỉ thể hiện sự cam kết thực hiện của một quốc gia thành viên có trách nhiệm mà còn phản ánh khách quan, minh bạch sự phát triển và nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực thi quyền con người. Sự thật này bác bỏ những luận điệu bẻ cong sự thật, đánh lừa dư luận, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam là “không tôn trong quyền con người”, là “vi phạm nhân quyền”…
Những con số trên cho thấy, Việt Nam luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, tự do Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Điều này đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, được cụ thể hóa trong nhiều luật, nghị định cùng nhiều văn bản pháp luật khác cũng như Việt Nam đang có những bước đi hoàn thiện về pháp lý, phương tiện và nâng cao nhận thức để bảo vệ quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet.
Một lần nữa, Freedom House lại núp bóng “tự do”, “nhân quyền” để đưa ra những đánh giá thiếu khách quan và định kiến, sai sự thật về Việt Nam. Xâu chuỗi lại các hành động, việc làm của tổ chức Freedom House trong những năm qua cho thấy những “bàn tay đen” của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài thông qua các tổ chức mang danh dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam; không chỉ phản ánh sai lệch, xuyên tạc quyền tự do Internet, bôi nhọ bức tranh nhân quyền mà còn lợi dụng tự do Internet để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.