Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc diễn ra vào sáng 6/12 tại Hà Nội. |
Sáng 6/12, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cục Phòng chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ)”.
Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Kế hoạch triển khai phi dự án phát triển với UNDP tại Việt Nam “Nâng cao năng lực thực thi Công ước LHQ về chống tham nhũng tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024”.
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam đã có được những bước chuyển biến, đột phá mạnh mẽ. Năm 2024, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi được tích cực đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra.
TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược Thanh tra phát biểu khai mạc hội thảo. |
Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, các cơ quan điều tra trong lực lượng CAND đã thụ lý điều tra 1.538 vụ án/3.897 bị can phạm tội tham nhũng. Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra gần 5.000 tỷ đồng, gần 50.000m2 đất gần 50 nghìn m2 đất và gần 140 ha đất; đã thu hồi gần 700 tỷ đồng, gần 17 nghìn m2 đất và gần 1.000 ha đất; tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch gần 1,2 nghìn tỷ đồng và nhiều bất động sản, tài sản có giá trị khác. Đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố gần 900 vụ án/gần 2.700 bị can.
Không chỉ vậy, trong năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực tại Việt Nam còn có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; về đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham những, tiêu cực.
Bà Nicole Rague, Viên chức chính trị, Đại sứ quán Hoa Kỳ phát biểu tại hội thảo. |
Đặc biệt, liên quan đến công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại và phòng, chống tham nhũng, chẳng hạn như: Tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Tham dự Cuộc họp Mạng lưới các Cơ quan Chống tham nhũng và Thực thi pháp luật của APEC (ACT-NET) lần thứ 11; Tham dự Hội nghị “Tăng cường chính sách liêm chính và thúc đẩy khuôn khổ phòng, chống tham nhũng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” và Diễn đàn Chống tham nhũng và Liêm chính Toàn cầu 2024; Tham dự Hội nghị Nhóm các Cơ quan Phòng, chống tham nhũng ASEAN lần thứ 19; …
Những kết quả đạt được nêu trên là minh chứng khẳng định quyết tâm thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng là “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điều này đã để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận và góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bà Sabina Stein - Trợ lý Đại diện Thường trú, Trưởng phòng Quản trị và tham gia, UNDP Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, khi tham nhũng được xem là một trong những nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Nhận thức rõ ràng về những rủi ro này, Đảng và Nhà nước xác định phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách không ngừng, không nghỉ.
Điều này càng trở nên cấp thiết khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, thực hiện nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới, trong đó có mục tiêu hoàn thành sớm việc tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị, đồng thời tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế để thúc đẩy tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng và cam kết theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.
Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam và đề xuất một số vấn đề trọng tâm mang tính khoa học, đa chiều và toàn diện về bối cảnh của công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay và những thuận lợi, khó khăn, thách thức, cơ hội. Trong đó có các vấn đề về thực trạng tham nhũng, tiêu cực, hậu quả của nó và những dự báo trong thời gian tới; về thành tựu, kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập, khó khăn trên các mặt công tác phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời các đại biểu cũng đề xuất các quan điểm, giải pháp, sáng kiến về: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc phòng, chống tham nhũng; về hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực quản lý nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả quản lý điều hành và tổ chức thực thi chính sách - pháp luật về phòng, chống tham nhũng; về nâng cao hiệu quả của các thiết chế chuyên trách phòng, chống tham nhũng.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Tiếp đó là các vấn đề về phát huy vai trò của xã hội và hợp tác công tư trong phòng, chống tham nhũng; lồng ghép giới trong chính sách và thực tiễn phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước và quản trị xã hội nhằm phòng, chống tham nhũng; giáo dục liêm chính phòng, chống tham nhũng trong hoạt động công vụ và trong nhân dân; hợp tác quốc tế và vận dụng kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng phù hợp với thực tiễn Việt Nam; tiêu chí, phương pháp đo lường, đánh giá tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng; về phát huy vai trò của giới trẻ, “Đoàn kết với giới trẻ trong phòng, chống tham nhũng: Định hình tương lai liêm chính” theo chủ đề Ngày quốc tế Chống tham nhũng 9/12 năm nay; nghiên cứu lý luận - tổng kết thực tiễn về kiểm soát quyền lực - phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…