Tái hiện không gian Hà Nội xưa
Đó là không gian trưng bày “Ký ức Hà Nội - 70 năm” tái hiện Hà Nội xưa trong khu phố cổ Hà Nội giai đoạn Toàn quốc kháng chiến của quân và dân Hà Nội tới ngày tiếp quản Thủ đô (1947 - 1954). Trưng bày diễn ra từ ngày 2 đến 13/10 tại Không gian bích họa Phùng Hưng.
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các họa sĩ, nhà nghiên cứu thực hiện, phục vụ người dân và du khách trang trí, sắp đặt mô hình khu phố cổ xưa, các cổng chào, cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu và tổ chức triển lãm ảnh chủ đề “Quận Hoàn Kiếm - Những hình ảnh lịch sử”, giới thiệu các ảnh tư liệu của quận Hoàn Kiếm trong quá trình từ Cách mạng tháng 8-1945 tới ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954.
Tại Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm) diễn ra trưng bày chuyên đề và tour du lịch thực cảnh “Chuyện phố Hàng” từ ngày 4/10 đến 31/12. Trong đó, chuyên đề “Chuyện phố Hàng” do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với đạo diễn bối cảnh, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức sắp đặt, tái hiện không gian, nếp sống văn hóa của gia đình người Hà Nội xưa làm nghề Đông y vào giai đoạn những năm 30 thế kỷ trước.
Tour du lịch thực cảnh với chủ đề “Chuyện phố Hàng” do Ban quản lý phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ xây dựng. Chương trình lấy cảm hứng từ hình ảnh và những câu chuyện về Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, tái hiện đời sống sinh hoạt của một gia đình trung lưu người Hà Nội làm nghề thuốc Đông y. Thông qua thực cảnh, các nhân vật và các màn biểu diễn nghệ thuật hát, múa truyền thống, kết hợp với kỹ xảo âm thanh, ánh sáng và các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ sẽ đưa khán giả trở về với cuộc sống những năm 30 của thế kỷ trước…
Cũng dịp này, tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống) có triển lãm ảnh “Hà Nội - Ngày tiếp quản năm 1954” và chiếu phim tư liệu “Ký ức Hà Nội” (từ ngày 9 đến 20/10).
Hai nhiếp ảnh gia nổi tiếng, Andy Soloman và Lê Bích, những người có tình yêu sâu sắc với Hà Nội, sẽ giới thiệu những góc nhìn độc đáo về thành phố qua bộ sưu tập 86 bức ảnh đen trắng được chụp từ năm 1992 - 2012. Triển lãm sẽ được tổ chức tại biệt thự Pháp cổ, 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội (từ ngày 10 đến 31 tháng 10). Những bức ảnh đặc sắc này ghi lại cuộc sống của người dân Hà Nội trong thời kỳ Đổi Mới, khi thành phố bắt đầu trải qua những thay đổi lớn về kinh tế. Các bức ảnh mang lại cho người xem một cái nhìn đầy hoài niệm và cảm xúc về cuộc sống trong thành phố và những bước chuyển mình của Hà Nội qua các thời kỳ.
Lê Bích chia sẻ: “Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, nhưng tôi không cho phép mình quên đi vẻ đẹp xưa cũ, tinh hoa của Hà Nội. Qua thời gian, tôi đã thực hiện những bộ ảnh ghi lại vẻ đẹp, tinh hoa và bản sắc của Hà Nội. Tôi mong rằng những bức ảnh này sẽ là một nốt trầm trong bài ca về Hà Nội, như một tia nắng chiều làm bừng sáng những cổng chùa cổ kính đã phai màu thời gian, như một bông cúc vàng trong vườn hoa bên hồ khi thu về... để chúng ta thêm yêu và trân trọng những gì mà Hà Nội đã và đang có hôm nay".
Tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm có triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” diễn ra từ ngày 28/9 đến 29/10. Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” tập hợp 70 bức ảnh màu và đen trắng của 18 nghệ sĩ, nhà báo chụp từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nhiều bức ảnh chưa từng được công bố trong đó có nhiều nghệ sĩ, nhà báo được công chúng biết đến như: Trịnh Hải, Hoàng Kim Đảng, Trần Hồng, Hoàng Như Thính, Khắc Hường, Phạm Công Thắng, Trần Hải, Đăng Khoa... Người có số ảnh triển lãm nhiều nhất (15 ảnh) là nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Trịnh Hải - Hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, năm nay vừa tròn 92 tuổi. Hà Nội trong tôi” là tấm lòng của những người nghệ sĩ - nhà báo đang sống ở Hà Nội, chụp ảnh về Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử 70 năm vừa qua. Bộ ảnh là lời tri ân để bày tỏ tình yêu Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô.
Chạm miền ký ức
Một trong những dấu ấn đáng chú ý nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng thủ đô là chuỗi sự kiện “Hà Nội- Chạm miền ký ức” và đêm nhạc “Phú Quang - Tình yêu ở lại”. Đó là những ý tưởng để tạo nên sự “chạm” thật khẽ của mỗi vị khách ghé qua dành cho Hà Nội. Đó là sự đan xen giữa thời gian, không gian, văn hóa nghệ thuật và hiên thực. “Hà Nội- Chạm miền ký ức” là hành trình khám phá Hà Nội xưa qua từng giác quan. 6 điểm chạm đưa bạn tới từng góc nhỏ Hà Nội xưa bao gồm: Toa tàu ký ức, Phiên chợ ký ức, Trò chơi ký ức, Khoảng sân ký ức, Triển lãm ký ức Hà Nội và Con đường tơ lụa.
Tại Vườn âm nhạc - Nhà hát Lớn Hà Nội, “Hà Nội - Chạm miền ký ức” sẽ là món quà không chỉ dành riêng cho người dân Thủ đô mà còn là cơ hội để du khách hiểu hơn về một Hà Nội với những hoài niệm lịch sử. Đêm nhạc “Phú Quang - Tình yêu ở lại” sẽ kết nối khán giả cùng thưởng thức âm nhạc của người nghệ sĩ được mệnh danh là “Nhạc sĩ của Hà Nội và những bản tình ca” trong không gian ngoài trời của những ngày thu Hà Nội. Êkíp chương trình cùng đạo diễn âm nhạc, nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ rằng, “Tình yêu ở lại” là tình yêu con người, tình yêu đôi lứa, tình yêu Hà Nội…
Ứng dụng công nghệ trong các hoạt động
Lần đầu tiên, tranh của các danh họa Bùi Xuân Phái, Trần Đình Thọ, Nguyễn Văn Tỵ… về Hà Nội sẽ được giới thiệu tới công chúng Thủ đô trong triển lãm “Hà Nội - Sức sống và Niềm tin”, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội), từ ngày 8 đến 22-10.
Triển lãm giới thiệu 70 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc được chọn lọc từ bộ sưu tập hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với chất liệu đa dạng, ngôn ngữ tạo hình phong phú, thể hiện sinh động, chân thực, thể hiện được sức sống, sức vươn lên của Thủ đô và niềm tin của nhân dân cả nước dành cho Hà Nội.
Trong đó, có nhiều tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng như: “Đánh chiếm Bắc Bộ phủ” (Trần Đình Thọ), “Chiến lũy Ngã Tư Sở” (Nguyễn Văn Tỵ), “Hà Nội năm 1947” (Công Văn Trung), “Thủ đô kháng chiến” (Nguyễn Quang Phòng), “Hà Nội đêm giải phóng” (Lê Thanh Đức), “Niềm vui giải phóng” (họa sĩ Trần Khánh Chương), “Phố Gia Ngư” (Bùi Xuân Phái), “Bác Hồ với công nhân xe lửa Gia Lâm” (Phạm Văn Lung)…
Đặc biệt, triển lãm có sự kết hợp giữa trưng bày truyền thống và ứng dụng công nghệ trình chiếu số hiện đại, đồng thời có hoạt động in tranh khắc gỗ để đem đến trải nghiệm hấp dẫn cho công chúng yêu nghệ thuật. Trong khuôn khổ triển lãm, vào ngày 12-10, có chương trình trò chuyện nghệ thuật với chủ đề “Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống với đương đại”.
Ngoài ra, công nghệ cũng được ứng dụng trong nhiều hoạt động nghệ thuật khác, tạo nên sự hấp dẫn và sức sống mới cho những hoạt động mang tính truyền thống. Đó là trưng bày 3D về cây bàng tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò mang tên “Bàng ơi!” từ ngày 8-10 đến 31-12.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, trưng bày “Bàng ơi!” giới thiệu câu chuyện về những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò, bàng nơi đảo xa và bàng trong thơ ca, hội họa… Từ đó, trưng bày giúp công chúng thêm hiểu và yêu hơn loài cây bình dị, dù sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt, vẫn mạnh mẽ vươn lên, tỏa bóng mát xanh. Trưng bày cũng là lời tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Sau khi thoát khỏi chốn “địa ngục trần gian”, nhiều chiến sĩ đã tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cống hiến cho công cuộc giải phóng Thủ đô thân yêu.