1. Hezbollah, một nhóm vũ trang có sức ảnh hưởng lớn ở Lebanon và được Iran hậu thuẫn, từ lâu đã là mối đe dọa chính cho an ninh của Israel. Cuộc xung đột giữa hai bên thường xuyên diễn ra dưới nhiều hình thức, từ các cuộc tấn công tên lửa đến chiến tranh tâm lý. Trong những năm gần đây, căng thẳng leo thang khi Hezbollah mở rộng các hoạt động quân sự và tình báo dọc biên giới Lebanon-Israel, khiến Tel Aviv phải tăng cường cảnh giác.
Tình hình đặc biệt căng thẳng kể từ khi Israel triển khai các hoạt động trên bộ nhắm vào Hamas (lực lượng quân sự của người Palestine và là đồng minh của Hezbollah) ở dải Gaza từ tháng 10/2023 khiến cho nguy cơ xung đột trực tiếp giữa hai bên càng trở lên rõ ràng. Hezbollah đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo sẽ tấn công vào lãnh thổ Israel, nhưng lần này, Israel đã ra tay trước.
Ngày 17/9/2024, một vụ việc gây chấn động xảy ra ở Lebanon khi hàng ngàn chiếc máy nhắn tin thuộc sở hữu của lực lượng Hezbollah phát nổ gây ra thương vong lớn cho lực lượng này. Vụ việc ngay lập tức được xác định là một cuộc tấn công có chủ đích của Cơ quan tình báo Israel (Mossad) nhằm vào đối thủ của mình. Theo các báo cáo từ Hezbollah thì một hệ thống đã được thiết kế để gửi những thông điệp tới những chiếc máy nhắn tin của họ, khi nhận thông điệp, những chiếc máy nhắn tin đã được cài thuốc nổ từ trước đó sẽ phát nổ ngay lập tức gây ra sát thương trong một vùng bán kính nhất định đủ sức làm chết người.
Khi mà phần lớn những người sử dụng máy nhắn tin là các thành viên hoặc có liên quan tới Hezbollah thì những vụ nổ này đã trở thành những vụ tấn công mục tiêu có độ chính xác cao gây nên thiệt hại lớn về người đối với lực lượng này. Những chiếc máy nhắn tin bị nổ đã được Hezbollah sử dụng trong một thời gian cho thấy đây thực sự là một vụ tấn công có tổ chức và đã được dàn dựng cẩn thận. Cho dù sau đó, chính quyền Israel hay Mossad đều không thừa nhận liên quan đến vụ việc, nhưng dựa trên quy mô, cách thức và mục tiêu nhắm đến, thực sự khó có thể tin rằng có lực lượng nào khác đã tổ chức cuộc tấn công này.
2. Thông báo từ Bộ Quốc phòng Israel sau đó đã cho biết ít nhất ba chỉ huy cao cấp của Hezbollah đã chết và nhiều người khác bị thương. Thông báo không nhắc tới những thương vong về phía dân thường, điều này dường như để minh chứng cho khả năng tấn công chính xác và hạn chế thiệt hại phụ của vụ tấn công. Tuy nhiên, nhiều cơ quan truyền thông đưa tin rằng vụ việc khiến ít nhất 12 người thiệt mạng, trong đó có hai trẻ em, và làm bị thương gần 3.000 người. Dẫu vậy, vẫn phải thừa nhận sự “chính xác” của cuộc tấn công khi mà phần lớn những người sử dụng máy nhắn tin là các thành viên của Hezbollah.
Nhiều nạn nhân của vụ nổ đã mất “khả năng chiến đấu” khi bị thương nặng. Tướng Amir Eshel, cựu Tư lệnh Không quân Israel, nhận xét: "Đây là một trong những cuộc tấn công hiệu quả nhất trong những năm gần đây. Máy nhắn tin phát nổ không chỉ là vũ khí công nghệ cao mà còn là công cụ chiến lược, giúp chúng tôi tiếp cận và loại bỏ các mục tiêu mà không cần phải đưa quân đội vào cuộc đối đầu trực tiếp”.
Cuộc tấn công này cho thấy sự phát triển của công nghệ đã mở rộng khả năng tác chiến chiến thuật lên một tầm cao mới. Kết hợp phá hoại vật lý bằng cách đặt thuốc nổ bên trong thiết bị điện tử của đối phương và tấn công mạng bằng cách kích nổ các thiết bị liên lạc cá nhân một cách đồng bộ như vậy đã đem đến hiệu quả cụ thể rõ ràng. Nói một cách hình tượng thì Israel đã “đặt những quả bom lên tay các chiến binh Hezbollah”.
Vụ tấn công cũng cho thấy, Israel đã có thể thu thập thông tin tình báo về hoạt động và vị trí của Hezbollah bằng cách theo dõi lưu lượng thông tin liên lạc của các nhân viên Hezbollah bị thương sau cuộc tấn công. Ở cấp độ chiến lược, cuộc tấn công gửi đi thông điệp rằng Israel có thể tấn công bất kỳ nơi nào và bất kỳ thời điểm nào. Nó cũng cho thấy Israel đã thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng của Hezbollah như thế nào.
Theo một báo cáo từ Viện Chiến lược Quốc phòng Israel (INSS), tỷ lệ thành công trong các cuộc tấn công bằng thiết bị công nghệ cao như máy nhắn tin phát nổ lên tới 90%, so với 65% của các chiến dịch truyền thống. Công nghệ này cũng giúp các cuộc tấn công được tiến hành với tốc độ nhanh hơn. Số liệu từ quân đội Israel cho thấy rằng thời gian từ khi xác định mục tiêu đến khi tấn công giảm từ 24 giờ xuống chỉ còn dưới 5 giờ khi sử dụng các thiết bị công nghệ như vậy. Đặc biệt, chiến thuật này không chỉ đạt hiệu quả cao mà còn giảm thiểu đáng kể sự hiện diện quân đội trên mặt đất, hạn chế rủi ro cho lực lượng Israel.
3. Vụ tấn công của Israel vào Hezbollah bằng máy nhắn tin phát nổ là một dấu hiệu rõ ràng rằng chiến tranh tương lai sẽ ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và mạng. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Stockholm (SIPRI), ngân sách dành cho chiến tranh công nghệ cao toàn cầu đã tăng 30% trong năm 2023, và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
“Tấn công không gian mạng và vũ khí thông minh đang là một trong những xu hướng lớn nhất mà chúng ta có thể thấy”, trích dẫn báo cáo của SIPRI gần đây cho biết. Cũng theo các chuyên gia của SIPRI thì các quốc gia như Mỹ, Nga, và Trung Quốc đều đã nghiên cứu và phát triển những công nghệ tương tự nhằm tăng cường khả năng chiến tranh mạng kết hợp với tấn công vật lý tương tự như cách mà Israel đã sử dụng với những chiếc máy nhắn tin của Hezbollah vừa qua.
Lý giải về sự chính xác của những vụ tấn công kiểu mới này, các chuyên gia của SIPRI đã nhắc đến những thành quả công nghệ mới nhất về Trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa. Theo đó, AI không chỉ có khả năng phân tích và xác định mục tiêu nhanh chóng mà còn có thể đưa ra các quyết định chiến thuật mà không cần sự can thiệp của con người. Điều này giúp giảm thiểu sai sót, tăng cường hiệu quả của các cuộc tấn công.
Theo nghiên cứu của RAND Corporation (Tổ chức chuyên tư vấn cho quân đội Mỹ) thì các quốc gia có quân đội mạnh sẽ phải đầu tư vào các hệ thống tự động và AI để duy trì lợi thế trên chiến trường. Israel, với tư cách là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực công nghệ quân sự, có thể sẽ tiếp tục phát triển các hệ thống tự động để thực hiện các cuộc tấn công như vụ máy nhắn tin phát nổ vừa qua.
4. Vụ tấn công của Israel không chỉ gây xôn xao trong khu vực Trung Đông mà còn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Nhiều quốc gia đã bắt đầu xem xét lại chiến lược quốc phòng của mình khi chứng kiến hiệu quả của các cuộc tấn công công nghệ cao. Bởi nếu vận dụng theo cách mà Israel đã làm thì mọi thiết bị điện tử, công nghệ đều có thể được sử dụng như những vũ khí tấn công.
Tuy nhiên, điều này cũng khiến các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại về việc sử dụng các vũ khí công nghệ cao trong xung đột. Một số chuyên gia e sợ rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ có thể dẫn đến việc vũ khí trở nên tinh vi và khó kiểm soát, từ đó gây ra những hậu quả không mong muốn. Một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ (FPRI) cho rằng nếu không có quy định rõ ràng về việc sử dụng công nghệ trong chiến tranh, chúng ta có thể chứng kiến sự gia tăng của các cuộc tấn công khủng bố gây ra một cuộc khủng hoảng đạo đức toàn cầu.
Cựu quan chức cấp cao của Mossad, ông David Meidan cũng bày tỏ lo ngại về khả năng Hezbollah và các nhóm khủng bố khác sẽ tìm cách phát triển hoặc chiếm dụng công nghệ này để thực hiện các cuộc tấn công trả đũa. "Một khi công nghệ này được phổ biến, không ai có thể kiểm soát hoàn toàn việc nó sẽ được sử dụng như thế nào. Điều này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang công nghệ nguy hiểm", ông nhận định.
Vụ tấn công của Israel nhằm vào Hezbollah bằng máy nhắn tin phát nổ là một dấu mốc quan trọng trong việc thay đổi cách tiếp cận chiến tranh. Nó cho thấy tiềm năng vô hạn của công nghệ trong chiến tranh hiện đại, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức về tính hợp pháp và an ninh. Nhìn về tương lai, chắc chắn công nghệ sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cuộc xung đột toàn cầu. Nhưng giờ đây, khi một cánh cửa nguy hiểm đã được mở ra, cũng là lúc chúng ta phải ứng phó với những hiểm họa từ nó.