Trong lòng địa đạo
Trong dặm dài đau thương của chiến tranh chống Mỹ, người Quảng Trị rất anh dũng và kiên cường. Để vô hiệu hóa những trận mưa bom bão đạn, với những vũ khí tối tân và hiện đại của địch, địa đạo Vịnh Mốc thuộc thôn Vịnh Mốc và thôn Sơn Hạ (xã Vĩnh Thạch, nay là xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã được xây dựng bằng chính bàn tay và khối óc của những người nông dân dưới mưa bom bão đạn.
Công trình kiến trúc tuyệt tác này được xây dựng bởi đôi bàn tay của người dân với những dụng cụ thô sơ tự tạo trong gần 20 tháng. Ban ngày, người dân hoàn toàn sống dưới lòng đất, ban đêm khi yên bom đạn họ mới lên mặt đất trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản. Suốt 6 năm dài, người dân hoàn toàn sống trong bóng tối, ba mẹ phải ngủ ngồi nhường chỗ cho các con nằm. Chỉ khi cần thiết như hội họp, cấp cứu bệnh nhân, chăm sóc trẻ sơ sinh... mới thắp đèn bằng dầu hỏa, mỡ. Cuộc sống trong lòng đất vẫn bền bỉ diễn ra với đầy đủ các hoạt động học hành, vui chơi, giải trí, yêu thương, sinh con.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, quân và dân Vịnh Mốc đã không chỉ dùng địa đạo làm nơi trú ẩn, tránh bom mà còn tổ chức đánh địch ngay trên quê hương, cứu chữa cho thương, bệnh binh. Quân và dân Vịnh Mốc đã cùng quân dân huyện Vĩnh Linh bắn rơi gần 300 máy bay, bắn cháy và chìm gần 70 tàu chiến Mỹ. Đặc biệt, hàng trăm chuyến thuyền cảm tử từ Vịnh Mốc đã hướng ra biển, chi viện cho đảo Cồn Cỏ.
Dưới lòng đất, địa đạo Vịnh Mốc là công trình kiến trúc kỳ vĩ, nơi những người con của vùng đất Vĩnh Linh sống và chiến đấu hết mình để giành thống nhất cho Tổ quốc. “Đây là công trình tiêu biểu nhất so với 114 địa đạo ở Quảng Trị thời chống Mỹ. Địa đạo Vịnh Mốc không chỉ là nơi phòng tránh an toàn cho hàng trăm con người mà còn là trạm trung chuyển lương thực và vũ khí rất quan trọng cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam!”, giọng người nữ hướng dẫn viên quê Vĩnh Linh nhẹ nhàng mà đầy xúc cảm, đưa từng người trải qua những ngạc nhiên và khâm phục của câu chuyện về những điều kỳ diệu diễn ra trong lòng đất sâu.
Những câu chuyện diễn ra cách đây mấy chục năm trước nhưng khi được kể lại vẫn nồng nàn, hùng tráng, khiến cho từng người trào dậy những cảm xúc khó tả. Gần 2.000 ngày đêm, đó là quãng thời gian dài để duy trì sự sống trong lòng đất và nơi đây đã có những điều kỳ diệu xảy ra. Chính đầu óc và bàn tay con người đã tạo nên những điều kỳ diệu ấy.
Địa đạo dài 1.060,25m (chưa bao gồm các ngách, căn hộ...), chiều cao đường hầm từ 1,7-1,8m, có 13 cửa ra vào. Dọc hai bên đường hầm có khoét các ngách nhỏ đủ sinh hoạt cho 2 đến 4 người. Trong hầm còn có hội trường sức chứa từ 50-60 người làm nơi hội họp, xem phim, biểu diễn văn nghệ... và một số công trình khác như: bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, trạm xá, bếp Hoàng Cầm...
Hệ thống đường hầm và các công trình trong lòng đất của địa đạo Vịnh Mốc gồm 3 tầng: Tầng 1 có tổng chiều dài 421,82m, độ sâu cách mặt đất 8-11m. Tầng 2 có độ sâu cách mặt đất 11-15m, chiều dài 508,08m. Trục chính tầng 3 dài 130,35m cách mặt đất từ 21-22,5m, có 2 giếng nước, 1 nhà tắm... Ngoài hệ thống đường hầm trong lòng đất, địa đạo Vịnh Mốc còn có các công trình trên mặt đất như: giao thông hào, ụ pháo...
Trong phần mô tả bộ phim tài liệu “Một thế giới bên dưới cuộc chiến: Bí mật địa đạo Việt Nam”, nữ đạo diễn Janet Gardner người Hà Lan đã viết: Những năm 1965, người dân ở một tỉnh miền Trung Việt Nam đứng ở tuyến đầu của một cuộc chiến tranh ngày càng tàn khốc. Với họ, chiến tranh đã trở thành một cuộc đấu tranh để sinh tồn. Nhưng, thay vì lựa chọn chạy trốn khỏi ngôi làng của tổ tiên, họ lại kiến tạo nên một loạt đường hầm, kiến tạo nên “một thế giới bên dưới cuộc chiến”. Trong gần 2.000 ngày đêm sống dưới lòng đất, không một ai bị thương tích, đã cho thấy sự kỳ diệu của công trình huyền thoại này.
Trong thời gian sống trong địa đạo ở Vĩnh Linh nói chung, đã có 60 đứa trẻ được sinh ra, riêng địa đạo Vịnh Mốc đã có 17 đứa trẻ ra đời trong lòng đất, 15 người đến nay vẫn còn sống. Những đứa trẻ được sinh ra, sống sót và lớn lên trong lòng địa đạo Vịnh Mốc giống như những hạt mầm của hy vọng, như biểu tượng của ý chí và nghị lực kiên cường của bao thế hệ người “lũy thép, lũy hoa” không ngừng vươn lên từ gian khổ. Người dân nơi đây đã thích ứng với cuộc sống khó khăn, gian khổ để tiếp tục chiến đấu với quân thù.
Địa đạo Vịnh Mốc chính là minh chứng chân thực nhất cho những năm tháng chiến tranh, sức sống mãnh liệt, ý chí quật cường bảo vệ Tổ quốc và đặc biệt là sự thông minh, sáng tạo của quân và dân ta. Đó là biểu tượng của khát vọng sống, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần, ý chí tuyệt vời của quân và dân Vĩnh Linh. Hòa bình lập lại, chiến tranh đã lùi xa, sự ác liệt, đau thương và mất mát đã nhường lối cho đủ đầy và cơm no, áo ấm, nhưng khi nhắc đến Vịnh Mốc, đó vẫn là câu chuyện được xem là huyền thoại diễn ra dưới lòng đất.
Chứng tích hào hùng của lịch sử
Bây giờ ở địa đạo Vịnh Mốc đã trở thành Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, địa chỉ đỏ cho hành trình giáo dục lý tưởng cách mạng. Con đường lát đá giữa những hàng tre bình yên rì rào tiếng gió biển, nhưng ít ai biết rằng dưới lòng đất là cả một hệ thống hầm ngầm từng dùng để hơn 600 người sinh sống, chiến đấu trong thời gian 2.000 ngày đằng đẵng vào thời điểm ác liệt nhất. Bờ Bắc sông Hiền Lương thời kỳ ấy là một trong những tọa độ đỏ của chiến tranh chống Mỹ, nơi những người dân kiên trung bất khuất đã bám trụ từng giờ từng phút giữ đất đai và biển trời quê hương.
Những du khách người Mỹ, người Nhật hay Hàn Quốc đã không khỏi kinh ngạc khi thốt lên: “Tuyệt vời, không thể tin được là dưới lòng đất lại có một cuộc sống, có những điều kỳ diệu diễn ra như thế!”. Sự kinh ngạc ấy, cũng giống như sự kinh ngạc khi họ biết về một dân tộc nhỏ bé nhưng anh hùng, đã chiến đấu hàng ngàn năm để chống giặc ngoại xâm, dành tất cả để đánh đuổi các đế quốc, giành lấy độc lập, xây dựng đất nước trong gian khó. Nhiều người khách Việt Nam cũng đã không khỏi cảm thán.
“Tôi đã từng đến địa đạo Củ Chi, nhưng khi đến địa đạo Vịnh Mốc vẫn không khỏi bất ngờ với nhiều điều thú vị, ngạc nhiên và thán phục ý chí, nghị lực, sự thông minh của người dân Vĩnh Linh trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt như thế. Dưới lòng đất mà cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, thật sự là không thể tin được!”, chị Trần Minh Ngọc, đến từ Hà Nội, chia sẻ.
Địa đạo Vịnh Mốc cũng giống như địa đạo Củ Chi là hệ thống phòng thủ dưới lòng đất của quân và dân ta mà hiếm nơi nào trên thế giới có được. Có quy mô rất lớn với những sáng tạo kiệt xuất, được thế giới đánh giá là kỳ quan về nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam với hệ thống đường hầm chằng chịt nhưng cũng được tổ chức rất khoa học, công phu, sáng tạo của quân và dân ta để vừa tránh giặc, máy bay, đạn pháo, vừa chiến đấu anh dũng, chống trả quyết liệt các đợt tấn công của kẻ thù. Đạn bom của kẻ thù không làm quân và dân “đất lửa anh hùng” Vịnh Mốc chùn bước.
Đã có những năm tháng, dân tộc chúng ta đã phải xẻ lòng đất để sinh sống, để đánh trả kẻ thù mạnh bậc nhất thế giới. Không một nỗi khổ nào có thể sánh với nỗi khổ này, nhưng dân tộc Việt Nam đã không chịu khuất phục mà còn chỉ ra cho kẻ thù thấy rằng chân lý luôn thuộc về lẽ phải. Xẻ đất và dựa vào lòng đất để tổ chức cuộc sống, những con người ở vùng đất lửa đã “lấy gan vàng chọi với sắt thép”, không những đánh tan từng đợt tấn công dữ dội của quân địch mà còn làm nên kỳ tích trong thế kỷ 20 về huyền thoại của cuộc sống, chiến đấu trong lòng đất mẹ thân yêu.
Từ năm 1995, khu Bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc chính thức mở cửa đón khách tham quan. Tại địa đạo bây giờ, phía trên là con đường rợp bóng tre xanh, dưới chân là cả một hệ thống đường hầm chằng chịt, xa xa là bãi biển Cửa Tùng quanh năm sóng vỗ bình yên. Bình quân mỗi ngày có hàng trăm lượt khách đến tham quan nơi này, trong đó có nhiều du khách người nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Khánh Chi - Phó trưởng Ban Quản lý di tích địa đạo Vịnh Mốc chia sẻ, đa số các du khách đến đây đều rất ấn tượng về công trình kiến trúc độc đáo dưới lòng đất này, như lời một du khách nước ngoài đã ghi lại: “Địa đạo Vịnh Mốc là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của thế kỷ 20 và là một trong những chiến thắng oanh liệt nhất của loài người trong cuộc đấu tranh vì sự sinh tồn”.
Đến nay, địa đạo Vịnh Mốc được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và được các tỉnh, thành, các đơn vị khai thác lữ hành đưa vào chương trình tham quan chính thức, thu hút nhiều du khách tham quan. Du khách quốc tế và trong nước, không chỉ có các cựu chiến binh mà rất nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam tìm về các địa đạo để tìm hiểu về lịch sử chiến tranh của đất nước, về tinh thần quật khởi, ý chí chiến đấu kiên cường cũng như sức sáng tạo kỳ diệu của quân và dân ta trong kháng chiến. Vừa trải nghiệm thực tế, vừa nghe thuyết minh, du khách như đang sống trong lịch sử, rất nhiều bạn trẻ đã không giấu được xúc động và tự hào về quá khứ oai hùng của thế hệ đi trước.
Cuối năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 1694/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Quy hoạch được xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên khắp đất nước Việt Nam đã có rất nhiều địa đạo được hình thành, như địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), địa đạo Nhơn Trạch (Đồng Nai), địa đạo Kỳ Anh (Quảng Nam), địa đạo Khe Trái (Thừa Thiên - Huế), địa đạo Vịnh Mốc và Vĩnh Linh (Quảng Trị)... đó là minh chứng của tầm vóc, sức sáng tạo và ý chí kiên cường, quật khởi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến cứu nước khiến quân thù khiếp sợ.