“2 giờ chiều ngày 12/9, tôi và 80 cán bộ chiến sĩ (CBCS) vào đến bản Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện huyện Bắc Hà, Lào Cai. Tại đây đã xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng trưa ngày 10/9 làm 18 người chết và mất tích. Trước mắt chúng tôi là cảnh tượng tang thương, cả một vùng đất biến thành bãi sình lầy khổng lồ. Xà nhà, cột gỗ, tấm tôn – dấu tích của những ngôi nhà quyện dưới bùn sâu. Để đến được Nậm Tông, chúng tôi đã hành quân bộ 5 giờ đồng hồ từ xã Cốc Lầu. Nếu không có các đồng chí công an xã hoa tiêu dẫn đường thì đoàn không thể tới đích. Lúc đó đường giao thông bị phong tỏa hoàn toàn, chủ yếu là đi theo đường mòn. Chúng tôi là lực lượng đầu tiên phối hợp với Công an huyện Bắc Hà, chính quyền, cùng người dân địa phương tìm kiếm cứu nạn những người dân bị vùi lấp trong vụ sạt lở đất, cảm xúc đan xen khó tả. Vừa thấy xót xa trước những mất mát của bà con, vừa muốn mau chóng lội xuống khoảng bùn kia để tìm kiếm”, Thượng tá Trần Văn Dân – Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô nhớ lại thời điểm cách đây tròn 1 tháng.
Trước đó, sáng 11/9, Thượng tá Dân nhận được lệnh chỉ huy 100 CBCS triển khai phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Bắc Hà. Từ trụ sở đơn vị ở xã Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội, 6 phương tiện xe ôtô lên đường chở CBCS cùng các loại trang thiết bị, dụng cụ, vật tư. Đến UBND xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, Thượng tá Dân chia quân thành 2 mũi. Một mũi gồm 20 đồng chí thuộc Tiểu đoàn 2 do Thiếu tá Nguyễn Duy Khôi - Phó tiểu đoàn trưởng chỉ huy hành quân vào thủy điện Đông Nam Á. 80 đồng chí còn lại do Thượng tá Dân trực tiếp chỉ huy di chuyển đến thôn Nậm Tông. 6 giờ tối, đoàn của anh mới vào đến Trường Mầm non Cốc Lầu. Qua trao đổi với đồng chí Phó giám đốc Công an tỉnh Lào Cai và các lực lượng có liên quan, do thời tiết xấu, địa hình phức tạp, nhiều chỗ sạt lở nên phải trú quân tại Trường Mầm non Cốc Lầu. Sáng hôm sau, có công an xã Cốc Lầu và Nậm Lúc hỗ trợ, cả đoàn cắt rừng hành quân bộ từ sáng tới tận 2 giờ chiều mới tiếp cận được hiện trường thôn Nậm Tông.
Thượng tá Trần Văn Dân - Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô là tổng chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, Lào Cai. |
Thời điểm đó, dân bản đã mất hết nhà cửa, đang ở tạm trong những căn lều lụp xụp. Việc đầu tiên là cả đoàn tìm một khoảng đất và dựng nhà bạt cho CBCS và người dân. Có vào đến Nậm Tông mới thấy quyết định phải sắm bằng được máy phát điện là kịp thời. Trên đường hành quân lên Lào Cai, Thượng tá Dân đã tính đến phương án trong bản bị cắt điện hoàn toàn. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và cuộc sống của CBCS và bà con dân bản. Vì thế, anh đã liên hệ nhờ mua máy phát điện để mang vào bản. Chỉ có điều, quãng đường hành quân bộ hơn 10km phải khiêng máy phát điện cùng hàng chục lít xăng, bóng điện, dây điện quả là không đơn giản. Ngay đêm đầu tiên, nơi khu nhà bạt, anh đã cho triển khai vận hành máy nổ và lắp đường điện cho bà con.
Thượng tá Dân nhớ lại: “Để công tác tìm kiếm có hiệu quả, chúng tôi lập sơ đồ tác chiến, đánh dấu vị trí tất cả các ngôi nhà trước và sau khi sạt lở, khoanh vùng điểm nghi vấn và tiến hành tìm kiếm. Mất gần một tuần sau đó, máy móc chưa vào được nên hoàn toàn là tìm kiếm thủ công. Khi những bước chân đầu tiên lội xuống bùn lầy, tất cả CBCS chúng tôi đều tâm niệm sẽ cố gắng hết sức đưa những nạn nhân xấu số về với gia đình. Thi thể đầu tiên tìm thấy là một cháu bé, cơ thể không còn nguyên vẹn. Rất nhiều anh em đã bật khóc. Lúc đó, tôi phải cố gắng gạt đi nỗi xúc động để chỉ đạo công việc”.
Gần một tuần sau đó máy xúc mới tiếp cận được hiện trường. Các lực lượng tìm kiếm của quân đội, công an huyện và nhóm thiện nguyện từ TP Hồ Chí Minh cũng vào đến nơi. Tất cả bề mặt bùn đất chúng tôi đã tìm kiếm xuống độ sâu xuống 1m, dưới tầng đất sâu phải nhờ vào máy móc đào bới. Là người giữ vai trò tổng chỉ huy công tác tìm kiếm tại Nậm Tông, Thượng tá Dân lúc nào trong tâm thế quan sát, nhận định, vừa đưa ra phương án tìm kiếm sâu, kĩ theo từng ngày, vừa đảm bảo an toàn về người, vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Hành quân bộ xuyên rừng tiếp cận khu vực sạt lở. |
Đã qua những ngày khốc liệt, CBCS của Trung đoàn CSCĐ Thủ đô đã trở về nhịp làm việc thường nhật. Đại tá Nguyễn Văn Hùng – Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô cho chúng tôi biết: “Trung đoàn là đơn vị chủ công trong nhiều mũi công tác thực hiện nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, đặc biệt là tìm kiếm nạn nhân bị chôn vùi. Bản lĩnh, lòng dũng cảm, tấm lòng vì đồng bào đã giúp họ hoàn thành nhiệm vụ bằng cả trái tim”.
Ngày 12/9, Thiếu tá Nguyễn Duy Khôi - Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn CSCĐ số 2, Trung đoàn CSCĐ Thủ đô trực tiếp chỉ huy 20 CBCS vào khu vực thủy điện Đông Nam Á. Anh bảo, cách đó 2 ngày, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ quê hương anh bị sập cầu Phong Châu, nhiều nạn nhân xấu số chìm dưới lòng sông. Cảm nhận rõ sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai, anh quyết tâm cùng anh em đồng đội thực hiện nhiệm vụ với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.
Thiếu tá Khôi kể lại: “Xe ôtô chỉ vào được đến xã Điện Quan, huyện Bắc Hà là không thể di chuyển được nữa, chúng tôi phải hành quân bộ. Cưa tay, cưa máy, cuốc, xẻng, xà beng, búa tạ được chuẩn bị đầy đủ từ đơn vị. Ba lô đựng tư trang cùng áp phao, áo mưa, ủng, phao tròn, bạt dứa, dây thừng, lương khô, dụng cụ y tế,… tất cả đều trên vai, trên tay chúng tôi. Trời vẫn mưa, có một vài điểm tiếp tục sạt lở, chúng tôi vẫn đi hối hả. 7 giờ tối thì vào đến UBND xã Bản Cái, từ đây sẽ có đường gần nhất vào thủy điện cách khoảng 5km”.
Khu nhà điều hành của thủy điện Đông Nam Á nằm gần khe suối nay đã mất dấu. Khi chúng tôi đến, đã có 1 nạn nhân trong số 5 người mất tích được tìm thấy. Phạm vi tìm kiếm tuy không rộng nhưng khối lượng bùn đất đá tràn xuống rất lớn, cộng với các khối bê tông đổ sập, nhiều thuỷ tinh vỡ nên không có đường vào. CBCS lấy thân cây quế của người dân đã thu hoạch kết lại, cắm cọc, bắc đường để tiếp cận dần vào bên trong.
“Tham gia tìm kiếm cùng chúng tôi còn có các đồng chí Công an huyện và dân quân xã Bản Cái. Những ngày đầu không có máy móc tiếp cận nên chúng tôi phải dùng thính giác, khứu giác, thị giác và tay chân để tìm kiếm. Lúc 9 giờ ngày 12/9, phát hiện thấy có vết máu và váng nổi lên ở một vị trí, những bàn tay của CBCS lập tức lùa sâu vào bùn. “Em sờ thấy chân rồi”, một chiến sĩ thảng thốt khi chạm phần thi thể dưới lớp bùn dày. Hôm ấy, cả đội không dám ngơi nghỉ một phút nào, những bàn tay liên tục vét bùn để thi thể lộ dần. Cứ nhấc tay lên, bùn nước lại chảy xuống, cực nhọc vô cùng. Sau 7 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đưa được nạn nhân lên bờ. Sau đó CBCS khênh cáng đi quãng đường 3-4km đường rừng để bàn giao nạn nhân cho gia đình.”
Ngày 13/9, nạn nhân thứ 2 được phát hiện bị tường đè dưới sâu. Sức người nhỏ bé nhưng bền bỉ, CBCS dùng xà beng, búa tạ đập vỡ bê tông để đưa nạn nhân ra. Ngày 14/9, trời nắng gắt, cả một vùng bùn lầy tanh nồng bốc lên ngột ngạt đến khó thở. Nắng rát mặt, cháy da nhưng họ vẫn bước từng bước khó nhọc dưới bùn sâu để tìm kiếm. Chiều ngày 14 có 2 máy xúc tiếp cận phá hết lớp trần bê tông phía trên. Sáng hôm sau, 2 nhạn nhân cuối cùng được tìm thấy nằm dưới dầm tường nhà ở độ sâu 3m. Vậy là trong 5 ngày thần tốc, mũi công tác của Thiếu tá Khôi đã phối hợp tìm kiếm được đủ 4/5 nạn nhân còn lại.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở thủy điện Đông Nam Á, ngày 16/9, mũi của anh được lệnh sang hỗ trợ cho mũi công tác ở thôn Nậm Tông. Để đến Nậm Tông, các phương án di chuyển được đưa ra. Có thể di chuyển bằng đường vòng sang huyện Bảo Thắng, quay ngược lại Bắc Hà vẫn có đoạn phải hành quân bộ, tốn nhiều thời gian vì quãng đường xa. Cuối cùng cả đoàn thực hiện phương án hành quân bộ xuyên rừng gần 10km đến Nậm Tông. Đây là phương án khá mạo hiểm, vì trời vẫn mưa, quá trình băng rừng phải qua nhiều điểm có nguy cơ sạt lở, nứt gãy. Rất may có các anh công an xã dẫn đường nên cuộc hành quân an toàn. Đến 12h trưa thì lực lượng CSCĐ hợp quân tại Nậm Tông, tiếp tục tìm kiếm nạn nhân.
Đưa người dân vượt qua dòng lũ. |
“Người dân thôn Làng Nủ nói với chúng tôi trong nỗi xót xa, rằng bản làng của họ xinh đẹp lắm. Bà con người dân dân tộc Tày bao đời nay chăm chỉ làm lụng. Nhà nào cũng có một khoảng rừng trồng quế. Nhiều nhà nuôi cá tầm trên đỉnh núi Con Voi. Vậy mà khi chúng tôi đến, chỉ còn là một bình địa”, Thượng tá Đặng Hồng Tinh – Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô nhắc nhớ lại.
Hai ngày sau khi đoàn công tác của Trung đoàn lên đường làm nhiệm vụ tại bản Nậm Tông và thủy điện Đông Nam Á, sáng 13/9, Thượng tá Đặng Hồng Tinh cùng 100 CBCS xuất quân tới thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Nơi đây, sáng 10/9 đã xảy ra đợt lũ quét kinh hoàng xóa dấu cả bản làng. Sẩm tối, chúng tôi chạm chân đến đây. Cả bản làng chỉ còn sót lại một vài nóc nhà. Suối vẫn chảy ầm ầm, nước đục ngầu, bốc mùi. Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã có mặt ở đó mấy ngày, nhìn nét mặt ai cũng đăm chiêu, căng thẳng. Bởi thời điểm đó, vẫn còn 17 nạn nhân chưa tìm thấy.
Đêm đầu tiên, đoàn được sắp xếp ở tại 2 nhà sàn của anh Thuộc – một người dân trong thôn. Em trai vợ anh Thuộc đã mất sau cơn lũ quét, còn người cháu đang nằm viện. Anh vẫn nén nỗi đau buồn để hỗ trợ chỗ ăn nghỉ cho CBCS. Trời vẫn mưa như trút. Thượng tá Tinh không tài nào chợp mắt, phần vì lo trời càng mưa càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, đe dọa tính mạng người dân và hàng trăm CBCS của Trung đoàn. Phần vì nhiệm vụ còn ở phía trước. Thời điểm đó, đã hết ngày thứ 4 kể từ khi thiên tai xảy đến, người dân vẫn ngày đêm trông ngóng tìm thấy người thân. Sự sống đã tắt lịm đối với những người nằm dưới bùn sâu, nhưng vẫn phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm. Làm càng sớm thì sự căng thẳng, mệt mỏi của người dân càng được giải tỏa.
Thượng tá Tinh chia sẻ: “Theo phân công của Ban Chỉ đạo tìm kiếm cứu hộ tại thôn Làng Nủ, chúng tôi tìm kiếm ở khu vực hạ nguồn dòng suối dài chừng 5km, rộng ngang đoạn suối khoảng 150m. 100 CBCS chia làm 3 tổ, mỗi tổ dàn thành 3 lớp để sục tìm thật kĩ càng. Lúc đó khu vực hạ nguồn chưa có máy xúc. Mỗi CBCS mặc áo phao, găng tay, khẩu trang, mang theo xà beng, xẻng và cây gậy dài tầm 2-3m để chọc xuống lớp bùn đất dày. Chỗ nào rút gậy lên có mùi, chỗ nào có côn trùng thì phải đặc biệt lưu ý. Người dân đã quen địa hình sẽ nhớ lại nơi nào có ao hồ trũng, chỗ nước quẩn để chỉ cho chúng tôi. Giữa một vùng đất trơ trọi, màu cam của chiếc áo phao mang dòng chữ CAND của các chiến sĩ khiến bà con thêm vững tin. Nhiều đoạn qua suối, anh em phải lần theo sợi dây thừng, phòng trường hợp vị sụt sâu xuống bùn”.
Hơn 5 giờ chiều ngày 15/9, thi thể đầu tiên ở hạ nguồn được tìm thấy. Mọi trông ngóng, căng thẳng vỡ òa. Bởi đã hai ngày quần thảo một vùng bùn đất mà vẫn không thấy dấu tích, anh em rất nóng ruột. Bao gia đình ngồi trên bờ ngóng trông. Anh em chỉ biết động viên người dân rằng sẽ cố gắng hết sức mình. Trời tối, ánh đèn pin lia quét hết cả vùng. Cả đội tập trung đưa nạn nhân lên. Sau đó, người dân báo tại một vị trí cách đó hơn 2km nghi có thi thể, anh em lại tức tốc đi luôn. Trời đã tối thẫm, CBCS đã thấm mệt, người đầy bùn đất, tay chân nhợt nhạt, nhưng các chiến sĩ vẫn gắng sức.
Tìm thấy thi thể đã khó, nhưng đưa được thi thể lên bờ càng là một thử thách. Từ bờ xuống vị trí thấy nạn nhân sâu hơn 3m, phải lấy dây buộc vào người CBCS và thả xuống. Việc đào bới lúc đó hoàn toàn bằng tay, không dám dùng cuốc xẻng. Mắt căng ra, tim run lên, những bàn tay gượng nhẹ mò mẫm trong bùn nước bằng tất cả những tinh nhạy nhất. Các chiến sĩ cố gắng không để sót bất cứ thứ gì liên quan đến nạn nhân, để người thi thể người xấu số đầy đủ nhất giúp người nhà nhận dạng. Đến 21h30 hôm đó nhiệm vụ mới hoàn thành. Mệt rã rời, nhưng lòng CBCS vơi nhẹ lòng đi đôi chút.
Cho đến giờ, vết thương nơi bàn tay phải của Đại úy Phạm Quang Chiến vẫn chưa lành. Khi đào bới bằng tay để đưa thi thể thứ 2 lên, bàn tay phải của anh bị tôn cứa ngang các ngón tay. “Lúc đó, tôi không có cảm giác đau nhiều, lại thay găng tay và tiếp tục công việc. Tối ấy tôi phải ngược đường ra bệnh viện, mỗi ngón tay phải khâu vài mũi. Nay, vết thương vẫn âm ỉ, gần vào đến gân. Bác sĩ khuyên ở lại viện, nhưng tôi sốt ruột nên xin trở về bản cùng đồng đội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Không chỉ tôi, mà rất nhiều CBCS trong quá trình làm nhiệm vụ đã bị đinh xuyên qua ủng vào chân. Nhưng những vết thương của chúng tôi không thể so được với nỗi đau cả thể xác và tinh thần của đồng bào”, Đại úy Chiến trải lòng.
Những ngày lực lượng CSCĐ cùng ăn, cùng ở với bà con dân bản ở thôn Nậm Tông, thôn Làng Nủ đã trở thành kỉ niệm của tình quân dân gắn bó. Thượng tá Dân kể: “Nguồn nước trong bản bị ô nhiễm nghiêm trọng, phải đi tìm nguồn nước mới. CBCS hướng dẫn bà con đun nước uống để phòng dịch bệnh. Tôi đã cắt cử 10 CBCS hằng ngày phục vụ 300 xuất ăn cho bà con nhân dân và lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Chúng tôi cùng nhóm bếp củi, ăn cùng nhau từng bữa cơm dã chiến. Đêm tối, bà con thấy yên tâm hơn khi ngủ trong nhà bạt ngay cạnh khu lều dã chiến của CBCS”.
Bữa cơm vội vã trên đường đi làm nhiệm vụ. |
Những ngày thực hiện nhiệm vụ nặng nề, đối mặt với nguy hiểm, CBCS hầu như không liên lạc được với gia đình do mất sóng, mất mạng. Trước khi vào bản, họ chỉ kịp nhắn tin cho gia đình để ở nhà yên tâm. Thật ấm lòng khi ở địa phương nào, lực lượng tìm kiếm cứu nạn trong đó có CBCS CSCĐ cũng nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ đặc biệt từ công an, chính quyền địa phương và toàn thể người dân. Không chỉ tập trung tìm kiếm nạn nhân, các mũi làm nhiệm vụ còn huy động phương tiện và CBCS giúp người dân xã Nậm Lúc, xã Phúc Khánh vận chuyển đồ đạc khỏi các điểm có nguy cơ sạt lở; tặng quà hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại nặng nhất sau bão lũ.
Kết thúc 15 ngày tìm kiếm cứu nạn, CBCS rút khỏi địa bàn tìm kiếm. Thượng tá Tinh không thể quên giây phút chia tay xúc động: “Đồng bào người Tày, người Dao ở Làng Nủ tình cảm lắm. Bao nhiêu ngày ở bản, là bấy nhiêu ngày chúng tôi chứng kiến những giọt nước mắt của người dân trong nỗi đau mất mát. Ngày chia tay, bà con vẫn khóc, bịn rịn nắm tay chúng tôi. Trước khi rời xã Phúc Khánh, đại diện Trung đoàn, chúng tôi đã trao số tiền 25 triệu đồng cho người dân và Trường mầm non của xã. Đồ dùng, vật dụng tìm kiếm của CBCS cũng dành tặng lại cho bà con”.
Lễ chia tay các lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại thôn Nậm Tông diễn ra vào sáng 25/9. Thượng tá Trần Văn Dân đã phát biểu trong nỗi nghẹn ngào: “Mặc dù đã làm hết sức mình nhưng công tác tìm kiếm vẫn chưa trọn vẹn. Chúng tôi thành thật xin lỗi vì đã không đưa được hết thân nhân của bà con về nơi an nghỉ cuối cùng”. Buổi chia tay hôm ấy, từ người dân đến CBCS ai cũng khóc. Đại diện Ban chỉ huy Trung đoàn, Thượng tá Dân phối hợp với chính quyền xã Nậm Lúc trao tặng 200 phần quà tổng trị giá 50 triệu đồng cho các gia đình bị thiệt hại. Già làng Lý A Ký xúc động không nói lên lời, cứ nắm chặt tay Thượng tá Dân. Có lẽ sẽ rất lâu nữa, hình ảnh của lực lượng CSCĐ tận tụy, vượt nắng thắng mưa thực hiện nhiệm vụ sẽ mãi ghim vào trong trí nhớ người dân.
Giờ đây, khi đã trở về vị trí công tác, hình ảnh thôn bản và người dân sau bão lũ vẫn in hằn trong tâm trí CBCS của Trung đoàn CSCĐ Thủ đô. Các mũi xuất quân đều đảm bảo an toàn cho CBCS trong quá trình làm nhiệm vụ. Đi đủ, về đủ là điều may mắn nhất. Nhưng các anh vẫn đau đáu về Nậm Tông, về Làng Nủ và các địa phương khác, mong chờ tin tức bà con tìm thấy thêm các nạn nhân.
Thượng tá Đặng Hồng Tinh - Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô trao quà hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại sau bão lũ tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai. |