![]() |
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tá Tình báo Nguyễn Văn Thương. |
Năm 1961, ông được chuyển về đơn vị trinh sát và làm bảo vệ cho đồng chí Võ Văn Kiệt (lúc đó là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định). Sau đó ông được chuyển sang hoạt động tình báo, dưới sự huấn luyện trực tiếp của đồng chí Mười Nho (Đại tá Nguyễn Nho Quý, Trưởng Ban Tình báo khu Sài Gòn - Chợ Lớn). Ông tham gia các mũi giao thông của các Cụm tình báo A18, A20, A22 và cuối cùng là A36 dưới vỏ bọc là “Đại úy Ngọc, đặc phái viên của CIA”.
Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi chuyển gần 900 tin tình báo của ông Ba Quốc (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức) từ Tổng nha Cảnh sát ngụy, của cố vấn Vũ Ngọc Nhạ từ Phủ Tổng thống, của ông Hai Trung (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Ẩn) từ nội thành Sài Gòn về chiến khu.
Ngày 10/2/1969, trên đường mang tài liệu từ Sài Gòn ra vùng căn cứ, ông bị máy bay Mỹ phát hiện và cố tình bắt sống. Ông chủ động dùng súng AK bắn rơi một máy bay lên thẳng, diệt nhiều tên Mỹ. Trước tình hình trên quân đội Mỹ phải huy động nhiều máy bay trực thăng, mỗi chiếc là một tiểu đội, nguyên trung đoàn 48 và sư đoàn 5 lính Việt Nam Cộng hòa để truy bắt ông. Khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, trước khi bị bắt ông đã kịp giấu tài liệu không để rơi vào tay giặc.
Biết ông là một chiến sỹ tình báo đặc biệt quan trọng, CIA bằng mọi cách khai thác mua chuộc, dụ dỗ ông với nhiều thủ đoạn như địa vị, vật chất và gái đẹp. Một trăm ngày thử thách sống trong biệt thự sang trọng với một ngân phiếu 100.000 đô la luôn để trước mặt, một cô gái Huế có tên Thùy Dương cực kỳ sinh đẹp với giọng nói ngọt ngào, hàng ngày gần gũi chăm lo cho ông, mong muốn cùng ông đi du lịch khắp thế giới, chưa kể những nữ y tá sinh đẹp hàng ngày bên cạnh ông lo cho ông như một ông hoàng, mùi hương con gái tỏa ra lôi cuốn ông. Nhưng ông đã giữ được mình vượt qua cám dỗ bởi trong đầu ông luôn nghĩ đến vợ con mình, nghĩ đến tổ quốc mình, nghĩ đến đồng chí mình, những người đã trải qua bao khó khăn gian khổ mới có được chỗ đứng trong lòng địch như đồng chi Ba Quốc, Hai Trung, Vũ Ngọc Nhạ,…
Không thành công, CIA ra lệnh bẻ gãy từng ngón chân ông liên tục trong mười ngày, chúng chỉ nhận được duy nhất một lời khai “Nguyễn Trường Hân, mù chữ, trốn lính”. Điên cuồng trước bản lĩnh phi thường đầy chất thép của người đảng viên cộng sản, chúng đập nát đôi bàn chân và đầu gối của ông, nhưng không khuất phục được khí tiết kiên trung của người tình báo, chúng dùng thủ đoạn man dợ khác, cưa chân ông, mỗi lần bị cưa chân như vậy là ông như người chết đi sống lại, tổng cộng tới sáu lần, thủ đoạn tra tấn tàn bạo ở chỗ vết thương chuẩn bị lành da thì chúng lại tháo băng giật thật mạnh khiến cho da non bị rách ứa máu, trước bản lĩnh phi thường như vậy, chúng phải thốt lên rằng “ Tao thua mày là một con người thép”.
Người chiến sỹ tình báo có chất thép trong người còn bị địch đưa ra nhà tù ở đảo Phú Quốc, chúng giam ông trong một thùng sắt phơi nắng, chúng còn thi nhau ném gạch đá vào thùng sắt khiến ông chịu nhiều áp lực, ăn uống và vệ sinh trong thùng sắt suốt 3 tháng dòng, không một lần được tắm rửa, khi chúng đưa ông ra khỏi thùng sắt, chúng còn không chịu nổi mùi hôi hám, lúc này ông chỉ nặng còn khoảng 20 kg.
Ngày 14/2/1973, trao trả tù binh, Thiếu tá Tình báo Nguyễn Văn Thương được Đảng và Nhà nước đưa đi an dưỡng ở miền Bắc và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 13/8/2018 do tuổi cao sức yếu, ông đã trở về cõi vĩnh hằng.
Gác lại quá khứ, hướng đến tương lai
Ngày 6 tháng 5 năm 2025, tôi đến thăm gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương, người bị địch bắt tra tấn dã man, bẻ gãy mười ngón chân, và 6 lần bị cưa cụt hai chân. Tiếp đón tôi là Vợ ông, bà Hai Em năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng tinh thần rất minh mẫn. Bà kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của chồng, của bà trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bảo vệ đất nước, bà cho tôi xem những tấm ảnh về đời thường của ông trong sinh hoạt hàng ngày, tôi cầm một tấm ảnh lên coi và nói: “ Thưa Dì, lúc chú bị tra tấn cưa chân như vậy, dì có biết tin không?”.
Ngừng trong giây lát, một câu hỏi tưởng như bình thường nhưng không ngờ lại khiến trái tim bà rung động. Ánh mắt bà như nhòa đi, nói trong nấc nghẹn. “Dì nói con nghe, dì hoàn toàn không biết tin tức về chồng mình, cho đến một ngày có người báo tin ông ấy bị bắt đang bị giam giữ ở Hố Nai, nhưng lấy tên khác là Nguyễn Trường Hân, dì nhanh chóng khăn gói cùng con trai ba tuổi đi thăm chồng, khi đến nơi trước mặt dì là hàng rào dây kẽm gai, bên trong là một cái sân rộng có rất đông người bị bắt giam, nhìn từ xa dì nhìn hoài không thấy chồng mình đâu, nhưng ông ấy lại nhìn thấy dì, bỗng dì thấy một người nhỏ thó ngồi trên lưng người khác đưa tay lên nói: “Em à, em khỏe không, anh đây nè”.
Nhận ra chồng mình cụt cả hai chân, dì như người chết đứng, hai đầu gối như muốn quỵ xuống, nước mắt dì tự nhiên trào ra mà không sao ngăn nổi. Dì thốt lên “Ôi, anh bị sao vậy…. rồi cứ thế dì để cho nước mắt tuôn trào”.
Ông ấy nói: “Anh không sao đâu, em yên tâm”, nói xong ông ấy nở nụ cười của một người chiến thắng, vợ chồng chỉ nhìn thấy nhau trong chốc lát rồi ra về mà lòng dì đau như thắt, thương anh vô cùng.
![]() |
Bà Hai Em vợ của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tá Nguyễn Văn Thương. |
Biến đau thương thành hành động, di tiếp tục hoạt động cùng đồng đội mong ngày chiến thắng trở về, gia đình sẽ sum họp. Kể từ đó dì bặt tin anh.
Năm 1973, dì được tin trao trả tù bình sẽ có tên anh, tổ chức đến đón dì đi gặp anh, dì đã đi dòng dã 23 ngày trời, cuối cùng đã gặp anh, đó là ngày hạnh phúc nhất, vừa cười, vừa khóc trong sự yêu thương của tất cả mọi người. Sau đó anh được đưa ra Bắc ăn dưỡng, còn dì ở lại và mong ngóng từng ngày được gặp anh.
Sau giải phóng, anh tham gia nhiều hoạt động xã hội, gặp các bạn trẻ để khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, tinh thần dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong ông có một tư tưởng đạo đức rất nhân văn đó là khi gặp lại kẻ thù, người đã cưa chân ông, nhưng ông vẫn bao dung độ lượng và tha thứ cho họ. Ông nói: “Nếu mình trả thù nó thì mình cũng như nó”.
Ông trăn trở rất nhiều, chiến tranh là mất mát cả từ hai phía, cùng một dân tộc Việt Nam mà do thời cuộc phải tàn sát lẫn nhau, đó là nỗi đau tột cùng của dân tộc. Ông thấm thía câu nói của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt “trong cuộc đấu tranh giành độc lập của ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử này, có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn”.
Đất nước ta đã thống nhất hai miền được 50 năm, nhiều ký ức của chiến tranh tàn khốc vẫn chưa thể nguôi ngoai, nhưng không vì thế mà chúng ta cứ nghĩ hoài về nó, hãy gác lại quá khứ đau buồn, non sông về một dải, chúng ta hãy cùng nắm tay nhau đi chung một con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn “Thắng giặc Mỹ chúng ta sẽ xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Đảng, Nhà nước ta đã bình thường hóa và hợp tác chiến lược toàn diện với Mỹ, đó là sự khẳng định của chúng ta về lập trường chính trị, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn. Bà Hai Em |
Tôi thật sự xúc động trước những suy nghĩ sáng suốt của bà, kính chúc bà và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc.
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, Hội Cựu Công an nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đến thăm gia đình và thắp nén nhang tưởng nhớ về ông, người chiến sỹ tình báo kiên trung đã không tiếc máu xương, đóng góp vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc để bảo vệ quê hương đất nước để có được cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay.
Chúng tôi luôn nhớ về ông!
Đường dẫn bài viết: https://cuuca.vn/tuong-nho-anh-hung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-thieu-ta-tinh-bao-nguyen-van-thuong-487.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://cuuca.vn/ All right reserved.