Phỏng vấn nữ Anh hùng điệp báo Sáu Thảo

Đại tá Nguyễn Thị Thảo còn được biết đến với danh xưng "Anh hùng điệp báo Sáu Thảo", là thành viên của cụm Điệp báo số 6, đơn vị đã thâm nhập vào các cơ quan đầu não của địch, cung cấp nhiều nguồn tin tình báo chiến lược quan trọng cho Trung ương cục trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tiến tới ngày giải phóng Miền Nam 30/4/1975.
Phỏng vấn nữ Anh hùng điệp báo Sáu Thảo
Đại tá Nguyễn Thị Thảo - Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thượng tá Lê Quý Minh: Xin chào Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Thị Thảo.

Đại tá Nguyễn Thị Thảo: Vâng, xin chào đồng chí.

Thượng tá Lê Quý Minh: Xin đồng chí cho độc giả biết về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình?

Đại tá Nguyễn Thị Thảo: Tôi sinh ra ở xã Thái Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh Bình Dương. Năm 1958, khi mới 16 tuổi tôi đã tham gia cách mạng và được giao nhiệm vụ vận động nhân dân đóng góp vật chất, nuôi giấu cán bộ hoạt động trong lòng địch, sau một thời gian hoạt động tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lại có tố chất kín đáo, cẩn thận nên tháng 10/1967, tổ chức cử tôi đi học lớp Trinh sát thuộc Trường An ninh Miền Nam, sau khi học xong tôi được phân công về Ban Điệp báo An ninh Miền Nam dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Thanh Vân, sau này là Đại tá, nguyên Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh.

Tôi được phân công xây dựng mạng lưới giao liên hai chiều để vào nội đô Sài Gòn hoạt động hợp pháp và móc nối cơ sở của ta ra gặp các đồng chí lãnh đạo, đây là công việc rất khó khăn và nguy hiểm. Tháng 3/1969, tôi vào nội đô Sài Gòn để gặp và truyền đạt chỉ thị cấp trên cho cơ sở Điệp báo. Vừa qua ngã ba Hóc Môn, tôi bị địch phát hiện, tôi liền nhai tài liệu mật rồi nuốt vào bụng, khi địch bắt tôi kiểm tra giấy tờ, chúng phát hiện căn cước giả và nghi ngờ tôi là Việt cộng dù chẳng có chứng cứ buộc tội, sau đó chúng tra tấn đủ trò dã man, không khai thác được gì, địch đưa tôi về Tây Ninh, tiếp tục bị tra tấn và xét xử tôi với mức án 5 tháng tù.

Sau khi ra tù, bằng các mối quan hệ tôi đã có trong tay tấm căn cước thật. Qua những khâu làm căn cước như vậy, tôi đã làm quen và hình thành một đường dây làm căn cước thật để nhờ làm căn cước cho một số đồng chí khác như Sáu Ngọc, Năm Thạch, Đỗ Việt Dũng và người của đồng chí Mai Chí Thọ và làm căn cước cho giao liên trong cụm Điệp báo.

Để hoạt động hợp pháp giữa nội đô, tôi từng vào vai người giúp việc nhà, khi là cô bán hàng rong, thợ may, hoặc người bán dừa từ miền Tây lên Sài Gòn. Chỉ tính từ đầu năm 1972 đến 30/4/1975, tôi đã xây dựng được hơn 10 đầu mối nằm trong các cơ quan trọng yếu của địch như Tổng nha cảnh sát, Nha điện toán, Nha kế hoạch, Bộ dân vận chiêu hồi, Văn phòng nội các… Đặc biệt tôi đã góp phần rất quan trọng trong việc xây dựng cụm điệp báo số 6, cụm Z7 và cụm Z8...

Một cơ sở khác được đánh giá là xuất sắc, bí danh “Diệu”, cài vào Bộ Dân vận chiêu hồi. Đây là nơi quan trọng mà ta cần nắm những thông tin, tài liệu của ta bị địch phát hiện. “Diệu” còn nắm được thông tin về những người trong hàng ngũ cách mạng đã đầu hàng địch, làm tay sai cho giặc. Một cơ sở tên là “Trúc” đã thu thập được nhiều tài liệu nguyên bản về kế hoạch bình định, kế hoạch hậu chiến toàn Miền Nam chuyển về chiến khu của ta, phục vụ yêu cầu trước mắt và lâu dài của cách mạng. Những tài liệu này còn nguyên giá trị trong việc góp phần bóc trần mạng lưới mật báo viên của địch cài lại sau giải phóng.

Thượng tá Lê Quý Minh: Xin đồng chí cho độc giả biết những phút giây sinh tử khi rơi vào tay địch?

Đại tá Nguyễn Thị Thảo: Quá trình hoạt động Điệp báo trong lòng địch, tôi có nhiều kỷ niệm khó quên, điển hình là tôi và một người giao liên bị bắt, khi tách hai người ra ghi lời khai, chúng phát hiện ra những điều mâu thuẫn, địch hỏi cung đồng chí nữ giao liên trước, nhưng tôi đã nhanh nhẹn cướp lời, tôi chưa nói hết câu thì tên cảnh sát đấm vào miệng tôi làm tôi gãy mấy cái răng. Thấy máu chảy nhiều, chúng kêu người giao liên cầm máu cho tôi. Dù rất đau nhưng tôi vẫn tranh thủ nói nhỏ với nữ giao liên “Cứ khai tôi là người lỡ đường không biết nhau để tôi dễ đối phó”. Sau đó đồng chí giao liên được thả còn tôi vẫn bị chúng giam giữ.

Tôi chuẩn bị lời khai và tinh thần hứng chịu những đòn tra tấn khốc liệt. Suốt gần 1 năm, cứ hàng tuần, thậm chí hàng ngày, tôi phải chịu đựng với kìm kẹp, tra tấn điện. Có lần dùng điện tra tấn chưa đã, chúng đổ nước vôi vào miệng, tưởng như tôi đã chết, rồi chúng quẳng tôi ra hành lang. Những tù nhân khác đã hô hấp và sơ cứu ban đầu giúp tôi vượt qua được bàn tay tử thần, khi tỉnh dậy tôi thấy mình nằm trong phòng giam tăm tối.

Một lần khác, chúng tra tấn tôi bằng cách cho tôi nằm trên một tấm ván rộng 3 tấc, dài hơn một mét treo lơ lửng trên nhà, hai tên đứng hai bên thi nhau kéo dây khiến đầu và gối tôi thay nhau đụng vào hai bức tường, làm cho đầu và hai gối tôi như muốn rớt khỏi người, chưa hết chúng còn dùng kim đâm vào mười ngón tay tôi, khiến tôi chết đi sống lại nhiều lần.

Thượng tá Lê Quý Minh: Xin đồng chí cho biết nhiệm vụ cụm điệp báo số 6 trong ngày 30 tháng 4 năm 1975?

Đại tá Nguyễn Thị Thảo: Phải nói một câu thế này, trong chiến dịch mùa xuân 1975 lịch sử, Điệp báo phải đi trước một bước để dẫn đường cho quân ta tiến vào Sài Gòn, cụm Điệp báo số 6 trong đó có tôi chỉ đạo đã thâm nhập vào các cơ quan đầu não của địch, cung cấp nhiều nguồn tin tình báo chiến lược quan trọng cho Trung ương cục, tôi còn nhớ Đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ đạo các đơn vị tình báo của ta phải nắm cho được ý đồ của Mỹ trong chiến tranh Miền Nam để có kế hoạch đấu tranh cụ thể, lúc này nhiều lực lượng của ta nắm tình hình thu thập tin tức, khi đó cụm diệp báo số 6 có một tin tình báo đặc biệt quan trọng do Điệp báo “Diệu” cung cấp khi thâm nhập vào sở đặc vụ Trung ương tình báo Mỹ.

"Diệu" đã coi được mật thư của Tổng Thống Gerald Rudolph Ford nói “Mỹ phải rút khỏi Miền Nam Việt Nam trước khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra đi”. Một tin tình báo khác cho biết các tướng lĩnh vùng chiến thuật đề nghị Tổng thống Thiệu cho rút quân khỏi bảy tỉnh Miền Trung, Thiệu đã đồng ý. Những tin tức tình báo do cụm Điệp báo số 6 cung cấp về cấp trên là chính xác và nhanh nhất, đã đóng góp một phần quan trọng vào chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975. Sau ngày giải phóng nhiệm vụ của chúng tôi còn quan trọng hơn đó là phải bảo vệ nguyên vẹn các tài liệu mà địch để lại, và chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thượng tá Lê Quý Minh: Xin đồng chí cho độc giả biết về nhiệm vụ của mình sau giải phóng?

Đại tá Nguyễn Thị Thảo: Sau giải phóng tôi được phân công giữ chức vụ Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng An ninh Công an TP.HCM, tôi còn nhớ vào những năm 1990 của thế kỷ trước, khi ấy đường lối chính sách của ta vẫn còn bó hẹp, đang chuẩn bị chuyển sang cơ chế thị trường. Do kinh tế còn khó khăn nên nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà hoạt động cách mạng bắt đầu có tư tưởng tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đặc biệt trong thời điểm này, các nước xã hội chủ nghĩa có dấu hiệu suy thoái, ảnh hưởng không nhỏ đến chính trị đất nước ta.

Với vai trò lãnh đạo phòng nghiệp vụ, tôi đã phát hiện và nhận ra được điều này, khi phát hiện những vụ tụ tập bất thường của thành phần nhân sĩ trí thức, học sinh, sinh viên, tôi lập tức báo cáo cấp trên, đồng thời một mình âm thầm, theo dõi, đeo bám. Một vài nhân vật có tiếng nói lúc bấy giờ bất ngờ có tư tưởng chống đối nên đã có dấu hiệu hoạt động vi phạm pháp luật với mục đích kêu gọi, lôi kéo.

Xác định được nhóm đối tượng chóp bu, tôi lập tức báo cáo tình hình và vai trò từng cá nhân cho cấp trên, đồng thời có những đối sách cứng rắn, đúng người, đúng hành vi. Tuy nhiên, khi hồ sơ báo cáo của tôi chưa được chuyển đến người cao nhất thì bất ngờ tôi bị bên kia tố ngược, tôi đưa ra các chứng cứ, tài liệu có liên quan đến sai phạm của đối phương, các đồng chí lãnh đạo mới đồng ý kế sách đấu tranh của tôi.

Chuyên án MA90 được xác lập, kết thúc chuyên án là hàng loạt những kẻ có tư tưởng suy diễn bị bắt giam. Một vài người kịp nhận ra sai phạm của mình nên được sự khoan hồng.

Sau đó tôi được Thành ủy điều chuyển tôi sang làm cán bộ ngành du lịch, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi lại tiếp tục được đề bạt làm giám đốc Sở Du lịch Thành phố, với vị trí mới đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược, tôi đã có những hoạch định đột phá, tìm ra điểm nghẽn để gỡ bỏ, tôi đi các nước trong khu vực để tìm hiểu và đề nghị hợp tác cùng phát triển, được một số nước ủng hộ, thậm chí họ còn giúp đào tạo nhân lực cho ngành du lịch thành phố, từ đó tạo đà cho phát triển du lịch lâu dài. khi về hưu tôi chuyển qua làm từ thiện để tri ân những nơi mà chúng tôi đã được nhân dân đùm bọc, với uy tín sẵn có tôi đã vận động nhiều mạnh thường quân xây trường học, cầu phà, mổ mắt miễn phí

Thượng tá Lê Quý Minh: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã cung cấp thông tin, kính chúc đồng chí và các thành viên cụm Điệp báo số 6 sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Lê Quý Minh

Đường dẫn bài viết: https://cuuca.vn/phong-van-nu-anh-hung-diep-bao-sau-thao-444.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://cuuca.vn/ All right reserved.